!

Thực hiện nghiêm phương án phòng, chống lũ cho vùng hạ du

Tác giả: Truyền hình quốc hội | Đóng góp bởi: duynhut
12-06-2015 | duynhut | 766 | Báo hỏng
Theo dõi kênh
Ngoài những biến động bất thường của thời tiết, việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông ngòi khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng khiến lũ lụt không còn theo quy luật. Đã có nhiều hậu quả đáng tiếc để lại sau các đợt xả lũ trong những năm trước. Mùa mưa bão đang đến gần, để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, các nhà máy thủy điện đã có nhiều giải pháp trong vận hành xả lũ trên hệ thống hồ đập. Nhưng việc cần làm là thực hiện nghiêm và có sự phối hợp, thống nhất chặt chẽ mới có thể giảm được tổn thất cho người dân.Những năm qua, hàng chục nhà máy thủy điện được xây dựng, đưa vào hoạt động trên các dòng sông ở các tỉnh miền trung - Tây Nguyên, góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng hệ lụy gây ra đối với các địa phương cũng không ít. Sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng hạ du, ven các triền sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những trận lũ lụt kinh hoàng năm 2009 hay năm 2013 đã trở thành mốc lịch sử về sự tàn khốc và thất thường của lũ lụt ở miền trung, Tây Nguyên. Trong đó, có nguyên nhân do thủy điện xả lũ, gây chồng lũ, không thể lường định và thành nỗi ám ảnh của người dân ở vùng hạ du. Nằm trên thượng nguồn sông Ba, nhà máy Thủy điện An Khê-KaNak ngoài nhiệm vụ phát điện năng lên lưới Quốc gia còn tham gia hạn chế lũ, bổ sung nước tưới cho hạ lưu sông Côn tỉnh Bình Định, điều tiết nước cho lưu vực sau đập An Khê. Để chuẩn bị cho mùa mưa bão năm nay, nhà máy đã hoàn thành tất cả các hạng mục chống sạt lở, chuẩn bị vật tư thiết bị cung ứng kịp thời khi bão lũ xảy ra và lên phương án chống lũ cho vùng hạ du: Cùng với đó, việc lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ từ xa tại các huyện hạ du và hệ thống camera giám sát hình ảnh phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống lụt bão từ nhà máy cũng được nhà máy đặc biệt coi quan trọng. Các đơn vị được giao thường xuyên kiểm tra tình trạng ổn định, an toàn công trình tuyến đầu mối, nguy cơ sạt lở các tuyến đường giao thông nội bộ; bảo dưỡng và thử vận hành cầu trục chân dê đập tràn, đóng mở thử cửa van cung đập tràn...Thực tế, những năm qua cho thấy, ở những địa phương nào thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, địa phương với các công ty, nhà máy thủy điện … thì ở hạ du nơi đó ít xảy ra thiệt hại khi các hồ thủy điện xả lũ. Vì vậy, tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, nơi hạ du của Thủy điện An Khê Kanak ngoài việc khẩn trương xây dựng phương án phòng-chống theo phương châm 4 tại chỗ, việc phối hợp với nhà máy thủy điện xây dựng phương án phòng-chống lụt bão cho vùng hạ du đập, cắm cọc đo mực nước xả lũ do xả tràn ở các điểm để người dân biết và phòng tránh cũng như cách thức báo động khi xả lũ là việc làm cần thiết: Thiên tai bão lũ là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của con người với những hậu quả khó lường, vì vậy quan điểm “phòng là chính” cần được hiện thực bằng cách đầu tư hệ thống cảnh báo hiện đại cho phía hạ du khi xả lũ. Rút kinh nghiệm trước đây, và cách làm, sự chuẩn bị hiện nay của Nhà máy Thủy điện An Khê Kanak trong quy trình xả lũ sẽ góp phần giảm thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du./
Bình luận