Tàu giã cào tận diệt tài nguyên biển
Tác giả: Truyền hình quốc hội | Đóng góp bởi: duynhut
12-06-2015 | duynhut | 1295 | Báo hỏng
Theo dõi kênh
Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước bởi hiện nay nguồn tài nguyên biển đang bị khai thác thiếu bền vững. Tại khu vực các tỉnh miền Trung, hàng loạt tàu giã cào khai thác trái phép dọc khu vực biển miền trung phá hỏng ngư lưới cụ của ngư dân địa phương. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân bản xứ mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn tận diệt tài nguyên biển. Đây là những hình ảnh do chính các ngư dân xã Vinh Thanh quay lại cảnh hoạt động ngang nhiên trái phép của các tàu giã cào trên biển. Với công suất từ 220 đến 250CV. Những tàu này có lưới mắt nhỏ cào dưới tầng đáy để bắt hết cá lớn , cá bé, các loại thủy sinh như rong biển bảo biển. Với hình thức đánh bắt kiểu này nguồn lợi thủy sản bị phá hoại, phá vỡ hệ thống môi trường sinh thái gần bờ, đồng thời cắt thẳng vào lưới của ngư dân. Nạn tàu giã cào đang trở thành nỗi ám ảnh của bà con nơi đây. Và đây là hình ảnh các đoạn lưới của ngư dân bị tàu giã cào cắt đứt. Theo bà con, dù họ đã liên tục cảnh báo, ra dấu hiệu nhưng tàu giã cào vẫn cố tình lao vào. Có chuyến đi bà con thiệt hại tới gần 20 triệu đồng do ngư lưới cụ bị hư hỏng. Đáng lo ngại hơn, các tàu giã cào cũng không ngần ngại lao vào trực tiếp khi có các tàu ngư dân Vinh Thanh tìm cách tiếp cận. Bởi lẽ tàu giã cào lớn, công suất mạnh nên nguy cơ chìm tàu ngư dân nếu bị đâm trúng là điều khó có thể tránh khỏi. Cứ như thế trong thời gian qua, người dân Vinh Thanh không thể nào đánh bắt cá gần bờ bởi vì chính hoạt động của các tàu giã cào ngoại tỉnh. Tình trạng này đang đặt ra những thay đổi, điều chỉnh về mặt phân cấp, phân vùng quản lý. Rất cần chế tài để lực lượng chức năng có đủ quyền hạn và năng lực để xử lý vấn nạn tàu giã cào tận diệt thủy hải sản như hiện nay. Nạn tàu giã cào khai thác tận diệt tài nguyên biển không chỉ có ở Thừa Thiên Huế mà xảy ra ở tất cả các khu vực biển miền Trung và nhiều nơi khác. Việc xử lý tàu giả cào gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân và một trong số đó là do việc quản lý tài nguyên biển đảo hiện đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực mà chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể. Thêm vào đó, việc quản lý cũng còn thiếu sự gắn kết giữa các bên liên quan trên cùng một vùng biển. Để khắc phục tình trạng này, trong Dự thảo Luật Môi trường biển và Hải đảo lần này quy định các cơ chế công cụ điều phối, phối hợp giữa các ngành, các cấp, việc sử dụng, khai thác tài nguyên biển được phân theo vùng mặt nước biển… nhằm đảm bảo nguồn tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng bền vững, lợi ích giữa các bên liên quan được hài hòa, môi trường biển được bảo vệ. Cùng với các quy định của Luật biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được bàn thảo tại kỳ họp thứ 9 quốc hội khóa XIII sẽ góp phần thiết lập được khung pháp lý đồng bộ, hiệu quả tạo ra được bước chuyển biến mạnh mẽ với phương thức quản lý tổng hợp, toàn diện để khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ được môi trường biển, hải đảo./
Bình luận