Công nghệ sinh học nông nghiệp, thủy sản
Tác giả: Truyền hình quốc hội | Đóng góp bởi: Lê Phương - Chí Phương
28-06-2015 | duynhut | 1126 | Báo hỏng
Theo dõi kênh
Sáng 27/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp giai đoạn 2006-2014. Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp - thủy sản đã và đang triển khai hơn 200 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó 130 nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nghiệm thu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử và chọn tạo được các giống lúa mang gen thơm, kháng sâu/bệnh như: rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, chịu hạn; giống ngô lai đơn chịu hạn; giống cam quýt; giống hoa và nhiều dòng giống cây trồng triển vọng đang gửi khảo nghiệm để tiến tới công nhận giống. Trong lĩnh vực chăn nuôi: ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử đã xác định được các nguồn di truyền mang gen hữu hiệu phục vụ công tác lai, chọn tạo giống bò, lợn, gà; đã ứng dụng công nghệ sinh sản để nghiên cứu nâng cao hiệu quả sinh sản, sản lượng sữa trên bò, công nghệ bảo quản tinh dịch lợn. Trong lĩnh vực thủy sản đã đưa vào phát tán và nuôi thương phẩm cá tra chọn giống tăng trưởng nhanh. 01 dòng cá rô phi đỏ nuôi phát tán và nuôi đánh giá thử nghiệm tại các vùng nước lợ và ngọt. Năm 2015, sau 10 năm phát triển hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, việc đưa một số giống cây trồng biến đổi gen (ngô) vào sản xuất được coi là dấu mốc quan trọng. Ứng dụng canh tác cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam được xem là một giải pháp quan trọng và có ý nghĩa giúp nông dân tiếp cận gần hơn với các giải pháp công nghệ và canh tác tiên tiến nhất trên thế giới, cung cấp thêm cho nông dân trong nước cơ hội lựa chọn sử dụng các sản phẩm giống cây trồng tốt, hiệu quả canh tác cao. Việc khai thác các giống ngô chuyển gen mang tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ được kỳ vọng là giúp cho nông dân trồng ngô tại các vùng chịu áp lực sâu hại và cỏ dại có thể canh tác dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả hơn. Đồng thời, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong giai đoạn hiện nay cũng như đáp ứng và dần tự chủ nguồn cung cho chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi đang ngày một tăng cao trong nước.
Bình luận