!

Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP

Tác giả: VTV1 | Đóng góp bởi: duynhut
06-10-2015 | duynhut | 880 | Báo hỏng
Theo dõi kênh
Đối với Việt Nam, Hiệp định TPP được đánh giá là có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, Hiệp định này khi thành hiện thực cũng sẽ tạo nên những thách thức không nhỏ. Vào tối qua (5/10), Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại thành phố Atlanta (Mỹ) đã kết thúc thành công. Đây được xem như một bước ngoặt lịch sử đối với 12 nước tham gia đàm phán TPP gồm: Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand, Chile, Peru, Mexico, Mỹ và Canada. Như vậy, sau 5 năm đàm phán với vô số những bất đồng và trở ngại, cuối cùng, 12 nước thành viên TPP đã đạt được nhất trí chung. Sau hơn 5 ngày đàm phán liên tục, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước TPP đã tháo gỡ được những bất đồng trong 3 lĩnh vực gai góc nhất còn lại. Đó là thuế ô tô, mở cửa thị trường sữa và thời hạn bản quyền sở hữu dược phẩm hữu cơ. Theo đại diện thương mại Mỹ, việc hoàn tất đàm phán TPP có sự đóng góp không nhỏ của đoàn đàm phán Việt Nam. Các nhà đàm phán của 12 nước vẫn còn phải hoàn tất các chi tiết thủ tục khác để hoàn thiện văn bản cuối cùng của TPP. Văn bản hoàn chỉnh này sau đó sẽ được đệ trình lên Quốc hội các nước để phê chuẩn. Mặc dù việc phê chuẩn của cả 12 nước đều quan trọng như nhau nhưng khó khăn lớn nhất đối với TPP sẽ là ở tình hình phê chuẩn tại Quốc hội Mỹ. Sau ngày hôm nay (6/10), Chính quyền Mỹ sẽ phải tiến hành các thủ tục thông báo và đệ trình toàn văn Hiệp định TPP lên Quốc hội để xem xét và bỏ phiếu. Tất cả các thủ tục này dự kiến sẽ mất khoảng 4 tháng rưỡi trước khi bỏ phiếu chính thức. Và với lộ trình như vậy, Quốc hội Mỹ cũng chỉ có thể bỏ phiếu về TPP vào nửa cuối Quý I/2016. Đây cũng là lúc cả nước Mỹ đã chính thức bước vào mùa cao điểm tranh cử. Khi đó, liệu TPP có được Quốc hội Mỹ thông qua hay không sẽ là điều không dễ tiên đoán. Như vậy, việc các Bộ trưởng hoàn tất đàm phán mới là bước đi đầu tiên để Hiệp định TPP trở thành hiện thực, phía trước sẽ còn cả một chặng đường khác. Tuy nhiên, bước tiến tại Atlanta (Mỹ) có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong bối cảnh đàm phán TPP đã bỏ lỡ rất nhiều thời hạn chót trước đó. Và tại Atlanta (Mỹ) lần này, việc kết thúc đàm phán đã nhiều lúc bị lo ngại là điều không tưởng. Nhưng, cuối cùng, 5 ngày đàm phán liên tục đã chính thức khép lại hơn 5 năm tranh luận gay gắt. Chính vì vậy, thông báo từ Hội nghị đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của các nước, cả trong và ngoài TPP. Trên trang web của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, việc hoàn tất Hiệp định TPP sẽ góp phần mở ra nhiều thị trường mới cho hàng hóa xuất xứ từ Mỹ cũng như tăng cường bảo vệ người lao động Mỹ. Ông Obama cũng cho biết, sẽ làm việc với các nhà lập pháp Mỹ để thỏa thuận này được thông qua. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mô tả thỏa thuận TPP là một thành tựu lớn của toàn khu vực, đồng thời cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp và các cá nhân tìm ra những phương thức mới để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên TPP, đặc biệt là nông dân Nhật Bản trước sự cạnh tranh của nông sản nhập khẩu. Việc Nhật Bản ngần ngại không mở cửa thị trường đối với nhiều loại nông sản nhập khẩu từng là một trở ngại lớn đối với Hiệp định TPP. Phát biểu trên Đài Phát thanh Australia, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhận định, Hiệp định TPP vừa đạt được giữa 12 quốc gia sau hơn 5 năm đàm phán là một thắng lợi lớn đối với Australia. Ông Turnbull cho rằng, TPP sẽ đặt nền móng vững chắc cho sự thịnh vượng trong tương lai của Australia, tạo thêm nhiều việc làm trong nước, đồng thời mang lại sự đổi mới và cạnh tranh khắp khu vực. Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng bày tỏ hài lòng về những lợi ích mà Hiệp định TPP mang lại cho Canada. Hàn Quốc đã hoan nghênh việc 12 nước đạt được thỏa thuận về TPP. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Seoul sẽ xem xét tích cực việc tham gia Hiệp định này nhằm đem lại lợi ích tối đa cho đất nước. Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định rằng, TPP là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc để ngỏ cánh cửa đối với mọi cơ chế tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và có khả năng tăng cường sự hội nhập kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 12 quốc gia tham gia ký kết Hiệp định sẽ cắt giảm hàng rào thương mại và thiết lập các tiêu chuẩn chung cho một khu vực trải dài từ Việt Nam đến Canada. Đối với Việt Nam, thỏa thuận TPP được đánh giá là có ý nghĩa rất lớn, có thể tạo ra một cú hích cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định này khi thành hiện thực sau này sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ đối với một số lĩnh vực. Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng - Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, sau khi Hội nghị Atlanta kết thúc. Còn theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam là một trong những nước được lợi nhiều nhất khi tham gia TPP. Hôm nay (6/10), nói về phản ứng của Việt Nam trước việc kết thúc tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phát biểu: "Việt Nam vui mừng và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực vượt bậc cũng như sự linh hoạt, sáng tạo của các quốc gia thành viên trong việc hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cân bằng, toàn diện, tiêu chuẩn cao vào ngày hôm qua (5/10) tại thành phố Atlanta (Mỹ). Cùng với các cơ chế hợp tác, liên kết hiện có khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực, Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương, việc hoàn tất Hiệp định TPP là dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy xu thế liên kết đa tầng nấc cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định và sự phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương. TPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng hợp tác và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác hàng đầu thế giới và khu vực, đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường, nguồn cung nguyên phụ liệu và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực, toàn cầu. Trong quá trình chuẩn bị cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuẩn bị trong nước, tăng cường phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực cho các địa phương, doanh nghiệp để thực hiện nghiêm túc cam kết cũng như tận dụng hiệu quả lợi ích của TPP".
Bình luận