Ngư dân loay hoay thực hiện nghị định 67
Tác giả: ANTV | Đóng góp bởi: BT
07-10-2015 | duynhut | 958 | Báo hỏng
Theo dõi kênh
Từ khi triển khai thực hiện Nghị định 67 đến nay, đã gần 01 năm, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Cà Mau chỉ có 04 trong số 54 chủ tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 được tiếp cận với nguồn vốn. Số liệu này phần nào cho thấy, để thực hiện ước mơ vươn khơi, bám biển từ tàu 67 là cả chặng đường dài.
Theo Nghị định 67 của Chính phủ, Cà Mau được phê duyệt vay vốn hỗ trợ đóng mới 100 phương tiện, trong đó có 90 tàu khai thác, 10 tàu dịch vụ hậu cần có công suất lớn. Với những điều kiện và những quy định mới, các quy định của Trung ương chưa sát với điều kiện thực tế nên trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc dẫn đến tiến độ giải ngân cũng như kế hoạch đóng tàu còn chậm.
Ông Đoàn Quốc Lượm, khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết: "Người dân chưa am hiểu được hồ sơ bên ủy ban duyệt rồi chuyển qua cho bên ngân hàng, tới phần đủ thủ tục để được công nhận đủ điều kiện vay vốn còn kéo dài thời gian."
Ông Lê Văn Thiệt, khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết: "Quy định mua máy mới thì không thể nào làm. Cái máy giờ vay 7,8 tỷ mà mua máy hết 210 ngàn đô thì hết tiền, mà máy mới cũng không hơn máy cũ bao nhiêu nhưng giá tiền quá mắc. Đó giờ dân làm tự do quen rồi mà giờ ngân hàng đòi hóa đơn mà mua nhỏ lẻ người ta không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho mình."Cụ thể, tính đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 100 hồ sơ vay vốn đóng mới tàu khai thác, nâng cấp tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Qua thẩm định có 54 trường hợp đạt yêu cầu đủ điều kiện vay vốn. Riêng tại huyện Trần Văn Thời có 45 hồ sơ đăng ký tham gia Nghị định 67, trong đó, có 40 tàu khai thác, 05 tàu dịch vụ.
Ông Lâm Văn Phú, phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết: "Khó khăn lớn nhất của người dân hiện nay là mẫu thiết kế. Hiện tại khi mà thiết kế mới hoặc là điều chỉnh thiết kế thì phải thuê cơ quan thiết kế và gởi phê duyệt thời gian rất là lâu, trung bình hơn 2 tháng. Vấn đề này thị trấn cũng kiến nghị trung ương nên phân cấp cho tỉnh phê duyệt các bản vẽ thiết kế, bên cạnh nguồn vốn sẵn có thì sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67."
Những trăn trở, băn khoăn của các ngư dân và chính quyền địa phương đã phần nào cho thấy cái khó hiện nay của ngư dân khi tham gia Nghị định 67. Hy vọng rằng, những phản ánh của ngư dân cùng với những đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn của các ngành liên quan sẽ là điểm sáng khơi thông dòng chảy 67, giúp ngư dân Cà Mau sớm được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, có thêm niềm tin, động lực để vươn khơi bám biển, đưa kinh tế thủy sản của tỉnh ngày càng phát triển.
Bình luận