Tàn phá rừng phòng hộ ven biển và cái giá phải trả
Tác giả: VTV1 | Đóng góp bởi: duynhut
07-10-2015 | duynhut | 1134 | Báo hỏng
Theo dõi kênh
Mỗi năm, các bờ biển miền Trung lại mất đi nhiều diện tích do tình trạng xâm thực gây ra. Dù vậy, rừng phòng hộ ven biển – tấm đê kè chắc chắn nhất – vẫn đang bị xem nhẹ.
Hiện nay, nhiều vùng ven biển tại Việt Nam mất đi bức tường xanh đã phải trả một cái giá quá đắt. Đó là tình trạng xâm thực nước biển, đất đai nhiễm mặn, sạt lở đê kè, các công trình hạ tầng dân sinh và đe dọa đến tính mạng con người. Thực tế cho thấy, các cơn bão đổ bộ vào vùng ven biển miền Trung những năm gần đây đều để lại hậu quả nặng nề, tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn coi nhẹ vai trò của rừng phòng hộ ven biển. Thay vào đó, họ chú trọng dành đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế khác, trong đó có xây dựng các công trình phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng.
Chỉ tính riêng tại Quảng Nam, diện tích rừng phòng hộ đã giảm mạnh, chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương còn nghèo, chính vì vậy, họ ưu tiên quy hoạch những khu công nghiệp để giải quyết công ăn việc làm cho người dân.Được biết, năm 2000, Chính phủ Nhật đã trồng 1.854 hecta rừng phòng hộ ven biển với các loại cây như phi lao, keo, bạch đàn, điều cho nhiều xã ven biển của tỉnh Quảng Nam. Mới đây, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án môi trường này đã hoàn toàn thất bại. Rừng chết, nhiều xã đã nhường phần đất rừng cho các dự án phát triển kinh tế khác.
Theo phân tích của các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế Việt Nam – Nhật Bản về cửa sông, cửa biển và kỹ thuật sông đã diễn ra ở thành phố Hội An vào đầu tháng 9 vừa qua, tình trạng tàn phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển và việc khai thác cát quá mức là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sạt lở ven biển, ven sông nghiêm trọng như hiện nay.
Bình luận