!

Phú Yên phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo

Tác giả: ANTV | Đóng góp bởi: BT
15-10-2015 | duynhut | 1141 | Báo hỏng
Theo dõi kênh
Phú Yên nằm ở khu vực ven biển duyên hải Nam Trung bộ, là địa bàn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như an ninh - quốc phòng khu vực miền Trung. Trong mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm qua (giai đoạn 2011- 2015), tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm phát huy thế mạnh của một địa phương có biển gắn với phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân góp phần bảo vệ vững chắc an ninh và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đầu tư tàu cá có công suất lớn hơn, chắc chắn hơn, đó là xu hướng phát triển nghề cá của nhiều ngư dân hiện nay. Bà con cho rằng: Biển mình, mình giữ, làm tàu to vừa đánh bắt hiệu quả, vừa vững vàng hơn khi vươn khơi xa. Vượt qua mọi khó khăn, nhiều con tàu được đóng mới, nhiều tàu nhỏ được nâng cấp, cải hoán. Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6,TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cho biết: Năm 2014 trở lại đây thì giá cả không ổn định, sản lượng quá thấp mà vật chất đời sống người dân thì tăng cao nên ngư dân gặp rất nhiều trở ngại. Phú Yên có hơn 7.000 tàu cá, trong đó có gần 1.100 tàu công suất từ 90CV trở lên, gần 600 tàu, hơn 5.000 lao động thường xuyên khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Là cái nôi của nghề khai thác cá ngừ đại dương, Phú Yên xác định đây là nghề chủ lực trong đầu tư khai thác thủy sản. Tuy nhiên, đặc thù của nghề là phải chịu nhiều tác động của các yếu tố về thời tiết, các biến động bất thường về nguồn lợi, cùng với sự gia tăng các chi phí sản xuất nên nghề biển nói chung, nghề câu cá ngừ đại dương nói riêng luôn đối diện với không ít thách thức. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết: Sản lượng khai thác con cá ngừ và một số đối vùng khơi thì nó có sụt giảm đi do điều kiện thời tiết và trên ngư trường có nhiều tàu thuyền khai thác, thứ hai nữa đặc biệt là công nghệ khai thác và công nghệ bảo quản còn lạc hậu cần cải thiện, đào tạo giúp ngư dân đưa công nghệ mới để nâng cao chất lượng, giá trị lên, nhưng nếu không có những chính sách hỗ trợ trong thời gian qua của Chính phủ thì đúng là ngư dân gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã có nhiều nỗ lực đưa Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản vào cuộc sống, giúp ngư dân giảm bớt khó khăn. Một kết quả đáng ghi nhận khác trong những năm qua là đã thành lập được các nghiệp đoàn nghề cá, hỗ trợ việc đánh bắt cũng như đời sống của ngư dân. Bên cạnh đó đã bước đầu thực hiện liên kết các nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật, phương thức đánh bắt thủy hải sản, hình thành chuỗi liên kết khai thác cá ngừ đại dương do Công ty cổ phần Bá Hải thực hiện. Công ty đã liên kết và ký hợp đồng với 8 tổ, đội sản xuất trên biển gồm 72 chủ tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hiện đại hóa đội tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp, hiện đại- gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là một trong những động lực giúp ngư dân Phú Yên yên tâm bám biển. Ông Nguyễn Tri Phương, cho biết: Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp ngư dân bám biển thường xuyên hơn; mà đã bám biển thường xuyên, thứ nhất là khẳng định sự hiện diện của ngư dân mình trên vùng biển chủ quyền, đồng thời ngư dân cũng xây dựng thế trận lòng dân trên biển rất vững vàng làm tai mắt cho các lực lượng chấp pháp của mình, thông qua đó có thể đấu tranh những trường hợp khai thác trái phép trên vùng biển của ta. Trong mục tiêu khai thác tiềm năng và lợi thế của một tỉnh có biển, tạo thế và lực để phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, trong 5 năm tới Phú Yên xác định triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển thủy sản, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền đất nước. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đánh bắt, bảo quản, chế biến thủy sản để nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất. Xây dựng, triển khai mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, kết hợp đánh bắt với dịch vụ hậu cần nghề cá, trước mắt là trong đánh bắt cá ngừ đại dương. Tiếp tục phát triển các nghiệp đoàn nghề cá; xây dựng các tổ tàu thuyền an toàn, các tổ/đội sản xuất trên biển. Hỗ trợ phát triển nghề đóng tàu thuyền, nhất là tàu đánh bắt xa bờ… Đây là những giải pháp đồng bộ nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng kinh tế biển của tỉnh, nâng cao đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bình luận