Thủy sản xuất khẩu bị trả về ở mức nguy cấp
Tác giả: ANTV | Đóng góp bởi: BT
06-11-2015 | duynhut | 967 | Báo hỏng
Theo dõi kênh
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng qua, Việt Nam có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về. Không chỉ bởi các vấn đề về nhãn mác, nhiều sản phẩm còn bị cảnh báo bởi không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh ATTP của nước nhập khẩu, làm dấy lên lo ngại về việc một số thị trường có thể áp dụng các biện pháp cấm nhập khẩu nông sản từ Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ T11/2015 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi doanh nghiệp có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị trả về. Cá biệt, có một doanh nghiệp xuất khẩu bị trả về đến 70 lô hàng.
Các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu xuất phát từ công đoạn nuôi trồng. Tại cơ sở nuôi hiện chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch đối với một số hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng.
Ông Nguyễn Như Tiệp
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản nói: "Các thị trường cảnh báo rằng, nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt để giảm thiểu tình trạng sử dụng kháng sinh có thể dẫn đến hậu quả các thị trường nhập khẩu áp dụng chế độ kiểm soát tăng cường. Ở đây là mỗi 1 lô hàng khi đến cửa khẩu nước nhập khẩu đều được lấy mẫu và kiểm nghiệm, trong trường hợp mà bị kiểm tra tất cả các lô hàng thì rủi ro là rất lớn, khi tần suất phát hiện các lô hàng vi phạm có thể dẫn đến một số thị trường sẽ ngừng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.
Đối với các lô hàng này, Bộ nông nghiệp đã có hướng xử lý phân loại: hoặc bán ra thị trường trong nước, hoặc xuất khẩu sang các nước khác đảm bảo tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cụ thú y nói: "Các lô hàng của Việt Nam bị trả về đa phần là do không đáp ứng quy cách đóng gói, mẫu mã, thông tin, vỏ bao bì, không có khả năng thanh toán, thì quay về, tiêu thụ trong nước hoặc xuất qua nước thứ ba".
Đánh giá về hướng giải quyết này, ông Tiệp cho rằng đã đảm bảo được quyền lợi của doanh nghiệp và sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng số lô hàng xuất khẩu nông sản trả về cũng buộc Bộ Nông nghiệp phải nghiêm túc triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm nhằm tránh nguy cơ bị đóng cửa một số thị trường.
Ông Nguyễn Như Tiệp cho biết thêm: "Chúng tôi thống nhất nhận định tình hình là tương đối nguy cấp, và cần phải có một kế hoạch hành động khẩn cấp, về tồn dư kháng sinh trong thủy sản và xuất khẩu, để phục vụ cho đợt cao điểm ATTP, đồng thời để cải thiện cảnh báo của các thị trường giảm đi, tránh tình trạng bị ngừng xuất khẩu.
Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã có sự giảm sút rõ rệt, là và năm tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm qua, với mức tăng 9 tháng đầu năm đạt 2.1% về giá trị và 2.3% về sản lượng. Nếu không giải quyết dứt điểm rủi ro về ATTP thì khả năng kim ngạch xuất khẩu nông sản có thể sẽ còn tăng trưởng chậm hơn nữa do một số thị trường có thể áp dụng biện pháp ngừng nhập khẩu. Hiện Trung Quốc đang áp dụng ngừng nhập khẩu tôm sú từ Việt Nam./.
Bình luận