!

DN thủy sản nhập khẩu tôm nguyên liệu: Vì lợi nhuận

Tác giả: VTV1 | Đóng góp bởi: Huỳnh Tâm - Tiến Lên (Ban Thời sự)
04-12-2015 | Han_Lam | 995 | Báo hỏng
Theo dõi kênh
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm trong nước lại đi nhập khẩu tôm nguyên liệu nước ngoài là do lợi nhuận và do sản lượng tôm trong nước thiếu. Nước ta là một trong những quốc gia dẫn đầu về sản lượng tôm xuất khẩu. Lâu nay, khi nhắc đến xuất khẩu tôm, mọi người đều nghĩ đến những con số "khủng" về kim ngạch xuất khẩu. Nhưng có một vấn đề đã và đang đi ngược với những gì mọi người nghĩ là các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm trong nước lại đi nhập khẩu tôm nguyên liệu nước ngoài. Thống kê từ ngành hải quan cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp thủy sản nước ta đã nhập khẩu hơn 34.000 tấn tôm nguyên liệu, tăng trên 10.000 tấn so với cùng kỳ năm 2014, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp lớn. Ngoài lý do sản lượng tôm trong nước thiếu, yếu tố lợi nhuận chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu. Theo các doanh nghiệp, hiện giá tôm nguyên liệu của nước ta cao hơn với các nước khác từ 1 - 3 USD/kg. Việc doanh nghiệp vì lợi nhuận của mình mà tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tôm trong nước. Thực tế, tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian gần đây, giá cả và đầu ra của mặt hàng này luôn biến động theo chiều hướng ngày càng khó khăn cho người nuôi tôm. Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nguyên liệu tôm lớn nhất cả nước nhưng các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu mặt hàng này. Chưa kể đến những tác động đằng sau đó, thực tế này đã cho thấy những bất cập về mối liên kết giữa việc nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm hiện nay. Hạn chế dễ thấy nhất là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn khá lỏng lẻo. Việc thiếu liên kết, thiếu dự báo thị trường đã dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu ở mặt hàng tôm như hiện nay. Ngoài nỗi lo về giá cả và đầu ra, vấn đề mà ngành thủy sản trong nước quan tâm chính là chất lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, có đến 80% sản lượng tôm nguyên liệu được các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu từ những quốc gia có công nghệ nuôi trồng hiện đại với giá bán sản phẩm thấp hơn Việt Nam như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia. Đây là một thách thức lớn cho ngành thủy sản nước ta bởi về nguyên tắc thương mại, các doanh nghiệp có quyền nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Do đó, đi đôi với công tác kiểm soát chất lượng đầu vào, vấn đề quy hoạch lại vùng tôm nguyên liệu gắn với chế biến xuất khẩu là yêu cầu cấp bách mà các Bộ, ngành liên quan cần tính đến.
Bình luận