Nuôi cá đối với tôm - dần thay đổi thế độc canh
Tác giả: Gia Nghi, Quảng Ngãi online | Đóng góp bởi: duynhut
13-11-2016 | duynhut | 2145 | Báo hỏng
Theo dõi kênh
Dịch bệnh hoành hành, môi trường nước bị ô nhiễm… nghề nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, liên tiếp thua lỗ. Nhiều giải pháp khắc phục được đưa ra giúp người nông dân. Một trong những hướng đi mới, đó chính là nuôi cá đối kết hợp với tôm sú. Sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu, Trạm khuyến nông huyện Tư Nghĩa đã chọn hồ nuôi tôm của ông Trần Thanh Liêm, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa để thực hiện mô hình nuôi ghép tôm sú với cá đối thương phẩm.
Theo đó, tháng 3.2016, Trạm đã hỗ trợ ông Liêm 3.000 con cá đối giống và 30% chi phí thức ăn, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật để ông nuôi thử nghiệm. Cùng với đó, trạm đã khuyến khích ông Liêm chuyển sang thả tôm thẻ chân trắng bổ sung với số lượng 3.000 con.
Theo đánh giá, cá thích nghi khá tốt với môi trường, thành công ngoài mong đợi. Tháng 7 vừa qua, gia đình ông đã cung cấp ra thị trường khoảng 3,5 tạ cá đối (1.200 con) với giá 100 ngàn đồng/kg, thu về khoảng 35 triệu đồng. Trước đó, riêng tôm thẻ chân trắng, gia đình ông đánh bắt được 50kg và bán với giá 180 ngàn đồng/kg (40 con), kiếm thêm 9 triệu đồng.
Ông Liêm cho biết, nuôi cá đối rất nhẹ nhàng, tốn ít công chăm sóc. Chỉ sau khoảng 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 2,5 đến 3 gam/con là có thể xuất bán. Nếu nuôi lâu hơn thì cá sẽ cân nặng từ 1,5- 2kg/con. Trong khi đó, chất lượng thịt cá, môi trường hồ vẫn đảm bảo, không ảnh hưởng gì đến quá trình nuôi tôm sú.
Bước vào mùa mưa, gia đình ông Liêm còn mua thêm cá điêu hồng về thả xen lẫn để giải quyết bớt lượng cặn bã trong ao, tránh ô nhiễm môi trường nước và phát sinh nguồn bệnh gây hại.
Hiện nay trong hồ nuôi của ông Liêm còn khoảng 1.600 con cá đối. Tuy nhiên, đầu ra cho cá đối vẫn còn gặp khó. Do mới đầu thử nghiệm nên số lượng hộ nuôi còn ít, giá lại cao nên chỉ có thể tiêu thụ nhỏ, lẻ cho các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh.
Toàn xã Nghĩa Hòa hiện có khoảng 90-95 hộ nuôi tôm với tổng diện tích 80ha. Mô hình này đã từng được triển khai ở một số nơi như Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi).
Từ thành công của mình, khi mô hình được triển khai đại trà ở xã Nghĩa Hòa, có thể tận dụng được tiềm năng sẵn có của địa phương về diện tích mặt nước ao hồ để tạo ra nhiều đối tượng nuôi, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Bình luận