Cá tráo mắt to

: Bigeye Scad
: Selar crumenophthalmus Bloch, 1793
:
Phân loại
Selar crumenophthalmusBloch, 1793
Ảnh Cá tráo mắt to
Đặc điểm

Thân dài, dẹp bên, viền lưng hơi thẳng hơn viền bụng. Toàn thân, phần trên nắp mang, má và xương hàm trên phủ vảy tròn nhỏ. Đường bên hoàn toàn, đoạn trước chỉ hơi cong, đoạn sau thẳng từ phía dưới tia vây lưng thứ 8 – 10, có 51 – 63 vảy thường phủ trên đoạn cong và một phần đoạn thẳng, 30 -38 vảy lăng phủ trên đoạn thẳng còn lại. Phía trước vay lưng thứ nhất không có gai mọc ngược. Bắp đuôi ngắn. Đầu tương đối lớn, dẹp bên. Góc trên xương nắp mang chính có một số gai dài dẹt, đoạn giữa mép sau xương nắp mang chính và mép dưới, mép sau xương nắp mang trước hình răng cưa.

Khe mạng rộng, màng nắp mang không liền với ức. Lược mang dài, dẹt và cứng. Một số tia vây phía trước của vây lưng thứ hai kéo dài thành đỉnh nhọn. Vây hậu môn đồng dạng với vây lưng thứ hai. Vây ngực hình lưỡi liềm, dài hơn chiều dài đầu. Vây bụng nhỏ, ở dưới vây ngực. Vây đuôi xẻ thành hai thuỳ rộng, mút vây nhọn, có 15 tia vây phân nhánh. Lưng màu xanh xám, phần bụng màu trắng, nắp mang không có vết đen hoặc có nhưng mờ. Vây lưng và vây đuôi màu đen nhạt.

Mõm tương đối dài nhọn. Mắt rất lớn, đường kính lớn hơn chiều dài mõm. Màng mỡ rất phát triển chỉ để hở 1 khe hẹp ở giữa mắt. Loài này có thể dài 2/3 mét. Thức ăn là các loại cá nhỏ. Manh tràng khoảng 23-28 cái. Khoảng cách 2 mắt rộng, cao tròn. Mỗi bên 2 lỗ mũi hình khe, vị trí gần sát mặt lưng của đầu. Miệng rộng, chếch, hàm dưới nhô dài hơn hơn hàm trên. Môi trên hẹp, môi dưới rộng và dày. Xương hàm trên phát triển, kéo dài đến phía dưới viền trước đồng tử mắt. Răng nhỏ nhọn, hàm trên có hai hàng ở đoạn trước, một hàng ở đoạn sau, hàm dưới có một hàng. Răng mọc thành hình chữ Y, trên xương lá mía mọc thành đai, trên xương khẩu cái mọc thành đám rộng trên lưỡi.

Phân bố

Cá tráo mắt to Selar crumenophthalmus  là loài thuộc họ cá khế (Carangidae). Cá sống ở vùng biển khơi và ven biển, trên thế giới loài cá này phân bố  rộng rãi ở vùng biển Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, vùng biển Hoàng Hải (Trung Quốc), Inđônêxia, Philippin, Nhật Bản. 

Ở Việt Nam, cá tráo mắt to phân bố vịnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Đông, Tây Nam Bộ. Cá tráo mắt to có tập tính săn mồi chủ yếu vào ban đêm. Thức ăn chủ yếu là động vật phù du, đối với cá nhỏ thì ăn giáp xác (Roux và Conand, 2000). Đây là loài cá có giá  trị dinh dưỡng và kinh tế, là đối tượng khai thác phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và ở Việt Nam.

Hiện nay, cường lực khai thác các loài cá nổi  nhỏ ven bờ ở biển Việt Nam ngày càng tăng với tốc độ nhanh, để đảm bảo nguồn lợi cá ven bờ và khả năng khai thác bền vững, điều cần quan tâm là nghiên cứu cấu trúc thành phần loài, đặc điểm sinh học sinh sản của cá và khả năng duy trì đàn cá bổ sung.

Tập tính
Sinh sản

Qua nghiên cứu thấy được Cá tráo mắt to có những đặc điểm: cá đạt giai đoạn thành thục với kích cở nhỏ, cá đẻ phân đợt trong năm, mùa đẻ tập trung chủ yếu vào tháng 05 và tháng 11. Hệ số thành thục (GSI) cao nhất vào tháng 05 (cá cái 3,81496%; đực 2,86073%) và tháng 11 (cá cái 3,33559%; đực 2,70522%), GSI thấp nhất vào tháng 02, tháng 03 (cái: 2,12915%, đực: 1,88825%).

Sức sinh sản tuyệt đối của cá tráo mắt to dao động từ 14.571  đến 128.278 trứng/cá thể. Sức sinh sản tương  đối của cá là 310 trứng/g cá cái với khối lượng thân 69,01-296,91 g/cá thể. Quan hệ giữa khối lượng thân và sức sinh sản tuyệt đối của cá rất chặt chẽ theo phương trình hồi quy: F=33,44W1,4378(R2=0,9844) với khối lượng thân dao động 69,01-296,91 g/cá thể.

Đặc điểm phát triển mô học tuyến sinh dục cá tráo mắt to 

Các giai đoạn phát triển noãn sào 

Giai đoạn I: Phân tích cấu trúc mô học của Noãn sào cho thấy có sự hiện diện của các noãn nguyên bào ở thời kỳ I với nhân to tròn, nhân chiếm tỷ lệ lớn so với thể tích tế bào (Hình 1).


Hình 1: Lát cắt noãn sào giai đoạn I                                            Hình 2: Lát cắt noãn sào giai đoạn II 

Hình 3: Lát cắt noãn sào giai đoạn III                                          Hình 4: Lát cắt noãn sào giai đoạn IV 

Giai đoạn II: Noãn bào thời kỳ II có kích thước lớn hơn các noãn nguyên bào ở thời kỳ I, tỷ lệ thể tích của nhân so với tế bào giảm xuống.  Noãn bào có dạng hình đa giác hoặc hình elip được bao bọc bởi lớp màng follicul mỏng bên ngoài 

Giai đoạn III: Noãn bào gia tăng về kích thước và có hình dạng tròn, màng follicul xuất hiện cùng với các không bào, các hạt mỡ và các hạt noãn hoàng. Số lượng các giọt mỡ gia tăng đáng kể so với noãn bào giai đoạn II. Xuất hiện màng phóng xạ. Đường kính trung bình của noãn bào là 482,5±18,59 µm. Các noãn bào thời kỳ III chiếm ưu thế về số lượng trong noãn sào. 

Giai đoạn IV: Noãn bào thời kỳ IV có kích thước lớn nhất và chiếm ưu thế về số lượng trong noãn sào, ngoài ra còn có các noãn nguyên bào thời kỳ I, noãn bào thời kỳ II, III. Hình dạng noãn bào tròn căng với noãn hoàng chiếm thể tích lớn trong noãn bào. Các hạt noãn hoàng trộn lẫn với các hạt mỡ và các không bào. Nhân tập trung chính giữa noãn bào. Đường kính của noãn bào đạt 629,3±32,2 µm.

Các giai đoạn phát triển tinh sào 

Giai đoạn I: Có sự hiện diện của tinh nguyên bào, số lượng tinh nguyên bào lớn nằm trong các bào nang


Hình 5: Lát cắt tinh sào giai đoạn I                                                  Hình 6: Lát cắt tinh sào giai đoạn II 

Giai đoạn II: Đặc trưng cấu trúc mô học của giai đoạn này là quá trình tinh nguyên bào bắt đầu phân cắt tạo ra các tinh bào, trên tiêu bản quan sát rõ các túi sinh tinh.


Hình 7: Lát cắt tinh sào giai đoạn III                                                  Hình 8: Lát cắt tinh sào giai đoạn IV 

Giai đoạn III: Về mặt tổ chức học tinh sào giai đoạn III cho thấy có sự xuất hiện của tinh trùng trong các tinh nang (bắt màu tím xanh của hematoxylin).

Giai đoạn IV: Quan sát cấu trúc mô học của tinh sào ở giai đoạn này cho thấy tinh trùng đã thoát ra khỏi tinh nang và được chứa đầy trong các tuyến và ống dẫn tinh. Trên lát cắt cho thấy các tuyến chứa tinh trùng bắt màu tím xanh rất rõ với heamatoxylin.

Hiện trạng

Cá tráo mắt to có sức sinh sản lớn nên có thể khai thác quần đàn quanh năm. Tuy nhiên, cần tránh khai thác vào các khoảng thời gian cá đẻ tập trung để giúp cá tái bổ sung quần đàn tự nhiên.  

Tài liệu tham khảo

1. Đặc điểm sinh học sinh sản của cá tráo mắt to Selar crumenophthamus phân bố ở vùng biển Sóc Trăng, Bạc Liêu - Mai Viết Văn, Võ Thành Toàn và Trần Đắc Định

Cập nhật ngày 02/10/2020
bởi Như Huỳnh
Xem thêm