Họ Cá mó
Phân loại

Đặc điểm sinh học
Cá mó (tên khoa học là Scaridae) hay còn gọi là cá lưỡi mèo, cá vẹt do phần miệng của chúng nhô ra ngoài gợi liên tưởng đến chiếc mỏ của loài vẹt. Thực chất, tên gọi cá mó là tên chung của 80 loài cá khác nhau thuộc họ Scaridae.
Cá mó là loài cá có màu sắc rất sặc sỡ và xinh đẹp với lớp vảy thường có màu xanh óng ánh và có thể thay đổi màu sắc theo điều kiện ngoại cảnh và lúc chuyển giới tính thụ động.
Một trong những điều làm nên “thương hiệu” của cá mó đó chính là chúng có thể “linh hoạt” giới tính của mình. Cụ thể, với một số cá thể là giống cái khi còn nhỏ nhưng lại chuyển thành giống đực khi trưởng thành. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với 100% giống cái, vẫn có những con không bị thay đổi giới tính và chúng chính là những cá thể duy trì sinh sản cho loài này.
Phân bố
Cá mó được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1810 trên các rạn san hô nhiệt đới, bãi đá và trong các thảm cỏ biển tại vùng biển Ấn Độ Dương. Vì sinh sống và tìm thức ăn quanh các rạn san hô, loài cá này thường có vảy rất lớn để giúp chúng an toàn trước các cạnh sắc nhọn của san hô.
Chúng chủ yếu sống trong môi trường nước mặn ở độ sâu khoảng 20m và có thể tồn tại trong môi trường nuôi nhốt ngắn hạn trong các bể nước lợ.
Tập tính
Thuộc nhóm ăn thực vật, thức ăn chính của cá mó là các loài tảo, rong biển, vi sinh vật có trong các rạn san hô sống, san hô chết và trên đá.
Đặc biệt, nhờ có hàm cứng và bộ răng chắc khỏe mà cá mó có thể cạo tảo và nghiền nát các mẫu san hô chết rồi tiêu hóa tất cả các thành phần dinh dưỡng có trong san hô và bài tiết dưới dạng thải ra cát mịn. Bằng cách này, chúng đã góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn được tình trạng tảo nở hoa gây nguy cơ tẩy trắng và làm chết san hô.
Sinh sản
Cá mó xù sinh sản từ tháng 6 âm lịch đến tháng 1 năm sau. Cá con mới sinh chỉ nhỏ bằng đầu đũa, rất khó phát hiện. Đáng chú ý, sau khi sinh, cá mẹ thường ăn cá con, chỉ một số ít may mắn thoát ra biển qua các kẽ hở của thành hồ.
Hiện trạng
Tuy nhiên, thực trạng đáng báo động hiện nay là số lượng cá mó đã giảm đi đáng kể trong những năm gần đây do bị người dân đánh bắt và khai thác quá mức vì các mục đích thương mại. Thậm chí, tình trạng của cá mó nguy cấp đến mức chúng còn không đủ số lượng để khai thác bền vững ở vùng biển Caribbean như trước đây.