Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá rô đồng

Kim Hoa
Cập nhật 13/12/2011

Điều kiện ao nuôi

Ao nuôi nên có diện tích 500 - 1.000 m2 và độ sâu từ 1,2 - 1,5 m. Bờ ao cao hơn mực nước cao nhất trong năm là 0,5 m, nên có lưới bao quanh cao 0,2 - 0,4 m phòng ngừa cá ra ngoài, đặc biệt cần lưu ý trong giai đoạn cá chuẩn bị sinh sản. Do thức ăn động vật chiếm tỷ lệ cao nên môi trường dễ bị nhiễm bẩn, do đó ao phải gần nguồn nước và có cống để chủ động cấp thoát nước.

            Mặt ao phải thoáng, không có bóng cây che, bờ ao không bụi rậm.

Trước khi thả cá, ao phải được cải tạo bằng các biện pháp kỹ thuật như ao ương cá giống nhưng không cần phải bón phân.

Sau khi cải tạo 3-5 ngày tiến hành thả cá nuôi.

Cá giống

            Cá giống nuôi thành cá thịt có kích thước 3 - 5 cm, trọng lượng trung bình 300 - 500 con/kg. Nên chọn cá mập, khỏe, không xây xát, không dị hình, không bệnh tật, tương đối đồng cỡ.

            Đây là loài có cơ quan hô hấp phụ nên có thể sống trong điều kiện môi trường chật hẹp, nhưng khi nuôi ở mật độ cao để cá phát triển tốt ao phải chủ động cấp thoát nước. Có thể thả nuôi với mật độ 30 - 40 con/m2.

Trong điều kiện sản xuất giống nhân tạo, cá rô có thể thả nuôi quanh năm nếu chủ động được nước và con giống, trong 1 ao có thể nuôi 2 vụ trong năm.

Thả cá vào nuôi lúc sáng sớm hay chiều mát nhằm tránh nhiệt độ cao của môi trường sẽ ảnh hưởng đến cá do cá bị mệt trong quá trình vận chuyển. Trước khi thả cá ra, thả bao nilon trên mặt nước 15 phút nhằm tạo cân bằng nhiệt độ nước bên trong bao và ngoài ao nuôi, tránh cá bị sốc do chênh lệch nhiệt độ. Khi thả mở miệng bao cho cá ra từ từ. Nếu vận chuyển bằng phương tiện hở như thau, xô…trước khi thả cho nước vào từ từ đến khi nước ngập đầy dụng cụ chứa, cho cá tự bơi ra đến hết. Không được đứng trên bờ ao đổ xuống làm cá bơi hỗn loạn do sự biến đổi đột ngột môi trường, những cá yếu không thích nghi kịp có thể chết hoặc ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng khi nuôi.

Thức ăn

            Cho cá ăn gồm; cám, tấm + bột cá (cá tươi hoặc các phế phẩm của nhà máy chế biến thủy sản) xay nhỏ, cách cho ăn như sau:

                        – Thành phần: 60% cám +40% bột cá hay cá tươi xay…

                        – Khẩu phần: 5 - 7% trọng lượng đàn cá/ngày.

            Thức ăn được kết dính bằng bột gòn hay nấu chín, vò viên và đặt trong sàn ăn. Sàn ăn được đặt cố định trong ao, nên đặt nhiều sàn ăn tránh sự cạnh tranh làm thức ăn rơi rớt do lượng cá nhiều tập trung vào một chỗ, khoảng cách giữa hai sàn ăn 5 – 7 m. Mỗi ngày cho ăn hai lần sang sớm và chiều mát, mỗi lần 1/2 khẩu phần thức ăn.

Chăm sóc và quản lý

Thường xuyên kiểm tra cống, lưới bao quanh bờ ao, nếu có hư rách phải sửa vá ngay, đặc biệt chú ý vào giai đoạn mang trứng cá có thể dùng nắp mang leo lên bờ thoát ra ngoài. Trên mặt nước ao thả 1/10 diện tích rau muống hay bèo lục bình để hấp thu dinh dưỡng dư thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường nước trong ao.

Thường xuyên kiểm tra tình hình ăn thức ăn của cá để điều chỉnh cho hợp lý, biện pháp này áp dụng như kỹ thuật ương cá giống.

            Nước trong ao rất dễ nhiễm bẩn do thức ăn tạo nên, do đó tốt nhất nên thay nước hàng ngày theo thủy triều, nếu ao xa nguồn nước định kỳ 10 - 15 ngày thay 1/2 lượng nước trong ao. Hàng ngày kiểm tra tình hình hoạt động của cá để phát hiện sớm nếu có dịch bệnh xảy ra.

Thu hoạch

Sau 4 - 5 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 50 – 100 g/con, tiến hành thu hoạch bằng hai cách:

  • Thu hết một lần: Tát cạn ao, bắt hết cá. Ao được cải tạo chuẩn bị cho đợt nuôi kế tiếp.
  • Thu tỉa: Có thể dùng lưới kéo hay tát cạn bắt những con cá lớn có giá trị thương phẩm cao để bán, những con còn nhỏ để lại nuôi tiếp. Hình thức này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn do con giống lớn, thời gian nuôi lần sau ngắn, nhưng do lượng cá còn lại ít nên chuyển sang nuôi ở một ao khác có diện tích nhỏ hơn đẻ tận dụng ao cũ thả nuôi giống mới với số lượng lớn.

Hiện nay năng suất nuôi cá rô đồng có thể đạt 30 - 50 tấn/ha/vụ.

Tài liệu tham khảo
Thẻ