Khuyến cáo thả giống cho từng vùng nuôi tôm biển

Cập nhật 15/01/2016

Ngày 29 tháng 12 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 6910/UBND-KTN về việc khung lịch thời vụ thả nuôi tôm biển năm 2016. Theo đó, vụ nuôi tôm biển thả giống trong khoảng thời gian từ ngày 15/01/2016 đến ngày 15/10/2016, sau đó tạm ngưng vụ nuôi tôm biển.

Mặt khác, theo Thông báo khí tượng thủy văn của Đài khí tượng thủy văn Bến Tre do đĩnh lũ trên sông Cửu Long năm 2015 ở mức thấp và do chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều nên xâm nhập mặn đã tiến sâu vào đất liền (độ mặn 04‰ đã cách cửa sông khoảng 38-40km). Bên cạnh đó, hiện nay tình hình không khí lạnh tăng cường trở lại, nên nhiệt độ giảm thấp vào ban đêm, dao động giữa ngày và đêm lớn, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh đốm trắng phát sinh. Do đó, để vụ nuôi tôm biển năm 2016 đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo thời gian thả giống cho từng vùng nuôi tôm biển, cụ thể như sau:

1. Đối với các hình thức nuôi tôm biển

* Tôm sú:

- Hình thức nuôi tôm quảng canh, tôm xen rừng: Thả giống từ ngày 01/11/2015 (theo Công văn 4096/UBND-KTN ngày 12/8/2015 về việc thay đổi khung lịch thời vụ nuôi tôm biển năm 2015); mật độ thả từ 2-5 con/m2, cách 1-2 tháng thả giống một lần, thả 4-5 lần/năm.

- Hình thức nuôi tôm - lúa: Thả nuôi 01 vụ/năm; thả giống từ ngày 15/01 đến ngày 30/4/2016, mật độ thả từ 5-7 con/m2, thu hoạch dứt điểm vào tháng 7 để ngắt vụ không cho mầm bệnh lưu truyền sang năm sau, thu hoạch xong dọn ao, sạ lúa vào tháng 8, 9 năm 2016.

- Hình thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh: Thả nuôi tốt nhất là từ ngày 15/02/2016 theo hướng từ cửa sông dần lên theo chiều tăng độ mặn của nước sông và tốt nhất khi độ mặn từ 15-20‰ và chỉ nên thả nuôi 01 vụ trong năm; mật độ thả 20-25 con/m2. Lưu ý hạn chế thả giống trong khoảng tháng 3,4/2016 do nhiệt độ, độ mặn tăng cao là điều kiện thuận lợi xuất hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

* Tôm chân trắng:

Thả nuôi tối đa 02 vụ/năm. Mật độ thả 60-80 con/m2, thả rãi vụ theo hướng tăng của độ mặn từ cửa sông lên, cụ thể:

- Đối với những vùng nuôi độ mặn đến sớm: Thả giống từ ngày 15/01 đến ngày 28/02/2016.

+ Huyện Bình Đại gồm các xã: Thới Thuận, Thừa Đức, Thạnh Phước, Bình Thắng, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, Định Trung, Bình Thới, Thị trấn Bình Đại.

+ Huyện Ba Tri gồm các xã: Tân Xuân, An Thủy, Tân Thủy,  Bảo Thuận, Bảo Thạnh, An Hòa Tây, Vĩnh An, An Đức, An Hiệp, Thị trấn Ba Tri và Cù lao Đất xã An Hiệp.

+ Huyện Thạnh Phú gồm các xã: Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh, An Điền, An Nhơn, An Qui, An Thuận, An Thạnh, Bình Thạnh, Mỹ An, Thị trấn Thạnh Phú

Lưu ý: Thời gian lấy nước chuẩn bị nuôi cần tránh những ngày triều cường cao (từ ngày 13 đến 18 AL và từ ngày 28 đến ngày 02 AL) trong tháng nhằm hạn chế độ mặn quá cao, nếu độ mặn trên 25‰ không nên lấy nước thả giống, chờ mưa xuống độ mặn giảm (dưới 20‰) mới tiếp tục lấy nước thả giống; đồng thời trong quá trình nuôi người nuôi cần thực hiện tốt công tác phòng bệnh tổng hợp (cải tạo ao kỹ, lấy nước qua lưới lọc, có rào chắn cẩn thận xung quanh ao, chọn giống tốt có kiểm dịch, quản lý màu nước ổn định và bổ sung Vitamin,...).

- Đối với những vùng nuôi còn lại: Thả giống nuôi từ sau ngày 01/02/2016. Lưu ý hạn chế thả giống trong khoảng tháng 3,4/2016 do nhiệt độ, độ mặn tăng cao là điều kiện thuận lợi xuất hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp tính.

+ Huyện Bình Đại gồm các vùng nuôi tôm phía ngoài đê dọc theo sông Tiền thuộc các xã Lộc Thuận, Phú Vang và Vang Quới Đông.

+ Huyện Ba Tri gồm các vùng nuôi tôm phía ngoài đê dọc theo sông Hàm Luông thuộc các xã An Ngãi Tây, Tân Hưng.

+ Huyện Thạnh Phú gồm các vùng ngoài đê dọc theo sông Cổ Chiên thuộc xã Bình Thạnh, Hòa Lợi và Thới Thạnh; Vùng nuôi ngoài đê dọc theo sông Hàm Luông và sông Băng Cung thuộc các xã Đại Điền, Phú Khánh, Quới Điền, Mỹ An, An Thạnh và Mỹ Hưng.

+ Huyện Giồng Trôm: Vùng nuôi tôm phía ngoài đê dọc theo sông Hàm Luông thuộc các xã Thạnh Phú Đông, Hưng Lễ và Cồn Linh, Cồn Lá (chỉ nuôi 01 vụ/năm).

+ Huyện Mỏ Cày Nam: Vùng phía ngoài đê dọc theo sông Hàm Luông thuộc các xã Minh Đức, Tân Trung, Bình Khánh Đông, Phước Hiệp, Định Thủy và vùng phía ngoài đê sông Cổ Chiên thuộc các xã Hương Mỹ, Cẩm Sơn, Thành Thới A, Thành Thới B (chỉ nuôi 01 vụ/năm).

- Đối với vùng ngọt hóa có hệ thống thủy lợi chưa khép kín: Thả giống nuôi trong khoảng thời gian từ ngày 01/3 đến 30/6/2016; người dân không nên thả giống trong khoảng thời gian từ ngày 01/7 đến ngày 15/10/2016 (vì nước không còn nhiễm mặn), nên chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt.

2. Các cơ sở nuôi tôm biển nên liên kết với các công ty/cơ sở sản xuất giống trong việc cung ứng giống, ký kết các hợp đồng để tăng trách nhiệm của người sản xuất giống và chất lượng con giống; giống trước khi thả nuôi cần phải kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm gồm: MBV, WSSV, YHV, IHHNV, IMNV, AHPND, TSV. Người nuôi và các các cơ sở sản xuất/kinh doanh giống tôm biển phải thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giống; cần lưu ý là tôm giống trước khi thả nuôi phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre để đảm bảo chất lượng, thuận lợi trong công tác truy xuất nguồn gốc và phòng chống dịch bệnh tôm nuôi.

3. Thường xuyên truy cập vào trang Website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi thông tin về kết quả quan trắc môi trường và kết quả kiểm dịch tôm giống tại các trại sản xuất giống tôm biển trên địa bàn tỉnh theo địa chỉ:  www.sonongnghiep.bentre.gov.vn

4. Khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc tôm bệnh chết bất thường phải thực hiện ngay các biện pháp cách ly và khai báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, Ủy ban nhân dân xã, Trạm Thú y huyện hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hướng dẫn hỗ trợ hóa chất tiêu hủy mầm bệnh. Tuyệt đối không xả thải ra kênh rạch khi chưa xử lý triệt để mầm bệnh.

Để mùa vụ nuôi tôm biển trong năm 2016 đạt kết quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi tôm biển trên địa bàn tỉnh vận dụng tốt các nội dung khuyến cáo này./.

Tài liệu tham khảo

Sở NN & PT NT Bến Tre, 12/01/2016

Thẻ