Lưu ý khi nuôi cá lóc mùng trên sông
Thanh Hải - Trạm KN-KN Phước Long
Để giúp cho bà con nuôi cá lóc mùng trên sông đạt hiệu quả, chúng tôi xin lưu ý bà con một số vấn đề như sau:
* Mùa vụ thả nuôi: Bà con nên thả cá vào thời gian trước tháng 7 dương lịch để tránh nguồn nước bị ô nhiễm lúc cải tạo đồng ruộng. Đặc biệt phải biết chọn thời điểm nuôi, mà nguồn thức ăn cho cá tạp nhiều và rẻ thường vào khoảng tháng 07 - 09 âm lịch, có như vậy mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
* Chuẩn bị mùng nuôi: Thiết kế mùng nuôi hình chữ nhật để tiện chăm sóc, quản lý. Nên nuôi 2 lồng để tiện cho việc lọc cá đồng cỡ, tránh hiện tượng cá lớn ăn cá bé. Đặt mùng cách mặt đất từ 30 - 40 cm nhằm tránh xáo trộn bùn đáy, tránh xa phương tiện đường thủy qua lại nhiều làm cho cá hoảng sợ.
* Chọn cá giống: Chọn cá cỡ đồng đều, khoẻ mạnh, có nhiều nhớt, không bệnh tật hay xây xát. Nên chọn cá từ 4 - 5 cm trở lên là tốt nhất.
* Mật độ thả nuôi: Do đặc điểm ở các sông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, dòng nước chảy yếu, để đảm bảo cho cá sinh trưởng, phát triển tốt bà con nên thả cá nuôi với mật độ từ 100 -150 con/m2 là vừa. Nếu ở những nơi có điều kiện thuận lợi, thì bà con có thể thả nuôi với mật độ cao hơn.
* Cho cá ăn: Thức ăn của cá phải tươi sống, đảm bảo không bị ươn. Cho ăn với khẩu phần 4 - 5% trọng lượng thân (100 kg cá thịt cho ăn 4 - 5 kg thức ăn). Trộn thêm vitamin C, men tiêu hoá hay một số thuốc phòng bệnh… vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, giúp cá tiêu hóa thức ăn tốt.
* Thường xuyên kiểm tra mùng nuôi, vệ sinh mùng nuôi định kỳ, để nguồn nước trong mùng dễ dàng lưu thông, tạo nhiều oxy cho cá hô hấp và dễ phân hủy thức ăn còn tồn đọng trong mùng.
Nuôi cá lóc mùng trên sông Ảnh: Thanh Hải
Một số bệnh thường gặp ở cá lóc và cách phòng trừ bệnh:
1. Bệnh lở loét :
* Nguyên nhân: Những tác nhân gây bệnh cho cá gồm virus, vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng và các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột, nguồn nước nhiễm bẩn, các chất thải làm ô nhiễm nguồn nước. Nguyên nhân gây bệnh trước nhất là virus, nấm cũng được coi là yếu tố quan trong gây ra hội chứng lở loét. Có thể chúng cùng với các loại kí sinh trùng làm cá bị thương tổn tạo điều kiện cho các tác nhân chính gây bệnh cho cá.
* Triệu chứng : Cá ít ăn hoặc bỏ ăn, bơi nhô đầu khỏi mặt nước, da sậm xuất hiện những vết loét màu đỏ , khi bị nặng các vết loét ăn sâu đến xương, thịt thối và cá chết.
* Phương pháp phòng bệnh : Định kỳ dùng vitamin C trộn vào thức ăn (5 - 10g/kg thức ăn). Treo vôi ở các góc mùng nơi đầu nước chảy.
* Trị bệnh: Dùng kháng sinh: Vimecin hoặc Osamet fish với liều từ 3 - 5g/1kg thức ăn trộn cho cá ăn liên tục từ 5 - 7 ngày, kết hợp với xử lý nước dùng Virkon A với 1g/m3 nước ngâm cá khoảng 30 - 60 phút sau đó thay nước mới, 3 ngày sau lặp lại.
2. Bệnh trắng da (bệnh mất nhớt):
* Nguyên nhân: do nuôi cá mật độ quá dầy, trong điều kiện nhiệt độ cao, gây xây xát cá dẫn đến cá bị nhiễm bệnh. Bệnh này lan truyền rất nhanh, tỷ lệ cá chết cao có khi lên đến 100% lượng cá trong mùng.
* Triệu chứng bệnh: Thời kỳ đầu, đuôi cá có vệt trắng, sau lan dần về phía đầu, đến vi lưng và vi hậu môn rồi cả thân màu trắng. Bệnh nặng cá cấm đầu xuống dưới sau thời gian ngắn cá chết.
* Phòng bệnh: Khi vận chuyển cá không làm xây xát, không nên nuôi cá ở mật độ quá dầy. Tránh các yếu tố gây sốc cho cá, treo các túi vôi ở những các góc mùng nơi đầu nguồn nước chảy.
* Trị bệnh: Dùng Vime-Iodine với liều 1 ml/m3 để khử trùng nguồn nước, đồng thời kết hợp trộn kháng sinh Oxytetracylin với liều 1 viên/1kg thức ăn hoặc trộn Osamet Fish liều lượng 2 - 5g/kg thức ăn, cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày.
3. Bệnh ngoại ký sinh trùng (trùng bánh xe, trùng quả dưa, sán lá đơn chủ, rận cá, nấm thủy mi...):
* Nguyên nhân: Do nhiều loài ký sinh như: trùng bánh xe, trùng quả dưa, sán lá đơn chủ, rận cá, nấm thủy mi... ký sinh chủ yếu ở da và mang cá. Sau khi rời khỏi cơ thể cá, trùng có thể sống tự do trong nước được 1 - 1,5 ngày. Đây là nguyên nhân khiến cho bệnh lây lan từ cá thể này qua cá thể khác.
* Triệu chứng: Mang bị viêm và sưng to, các tia mang bị đứt rời, mang tiết ra nhiều nhớt làm cho cá nghẹt thở và chết, cá thường nổi đầu và tập trung nơi có dòng nước chảy.
* Phòng bệnh: Cá giống trước khi thả nuôi tắm cho cá bằng nước muối 2 - 3% (200 - 300 gram muối pha với 10 lít nước) trong thời gian 10 - 15 phút.
* Trị bệnh: Dùng muối liều lượng 1 kg/100 lít nước (đối với cá nhỏ), 4 kg/100 lít nước đối với cá lớn tắm trong 15 - 30 phút hoặc dùng Fresh Watter với liều 2 gram/m3 để khử trùng nguồn nước, đồng thời kết hợp trộn kháng sinh Vime-Clean hoặc Hadaclean vào thức ăn với liều 3-5gram/1kg thức ăn, cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày.
4. Bệnh nội ký sinh trùng (giun, sán...): Ký sinh ở ruột, gan
* Nguyên nhân: Do nhiều loài giun, sán ... ký sinh chủ yếu ở ruột, gan ở cá. Lây chủ yếu qua đường thức ăn là cá tạp bị nhiểm giun sán.
* Triệu chứng: Giun chui vào tầng niêm mạc thành ruột phá hoại niêm mạc ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn khác xâm nhập gây bệnh. Giun hút chất dinh dưỡng làm cá chậm lớn và tiêu tốn thức ăn. Cá lóc nuôi mùng thường bị giun tròn ký sinh trong ruột với số lượng lớn cá bị sưng chướng bụng, lật bụng nổi trên mặt nước.
* Phòng Trị bệnh: Khi cá lớn định kỳ 1 - 2 tháng nên tẩy giun bằng Vime-Clean hoặc Hadaclean trộn vào thức ăn liên tục 3 - 5 ngày với liều 2 - 3g/kg thức ăn.
Tài liệu tham khảo
http://snn.baclieu.gov.vn/khoahoc/lists/posts/post.aspx?Source=/khoahoc&Category=H%C6%B0%E1%BB%9Bng+d%E1%BA%ABn+k%E1%BB%B9+thu%E1%BA%ADt+s%E1%BA%A3n+xu%E1%BA%A5t&ItemID=20&Mode=1
Thẻ
- Kinh nghiệm hay để chọn cá lóc giống tốt
- Kỹ thuật nuôi cá lóc
- Phòng và trị một số bệnh thường gặp trong nuôi cá lóc bông
- Kỹ thuật nuôi cá lóc trong vèo đặt trong ao
- Những vấn đề cần lưu ý khi nuôi cá lóc mùng trên sông
- Kỹ thuật nuôi cá lóc tổng hợp
- Quy trình kỹ thuật nuôi cá lóc - Đông Nam
- Một số giải pháp phòng bệnh cá lóc khi thời tiết giao mùa
- Kinh nghiệm luyện cá lóc ăn cám công nghiệp
- Phòng và trị một số bệnh thường gặp ở cá lóc