Kỹ thuật nuôi cá hồi vân nước lạnh
NIMDA TH
Môi trường sống: Cá hồi vân được nuôi ở các thủy vực tự nhiên và trong các hệ thống nước chảy với pH thích hợp từ 6,7 - 8,6.
Cá sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở nhiệt độ nước từ 10-20oC, có khả năng chịu tới 24oC trong một thời gian ngắn. Hàm lượng ôxy hòa tan trong nước cần đạt > 7mg/l.
1. Ao nuôi cá hồi vân:
Ao nuôi cá diện tích 100m2/hồ, sâu 1,5-2m được lót bạt xanh bên dưới ao, phía trên được che nắng, mưa, sương muối...
2. Phương pháp chăm sóc quản lý cá hồi vân:
Đối với cá hồi vốn đầu tư để nuôi rất lớn, do đó trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc phải tuân thủ đúng quy trình nuôi một cách khoa học.
Trại không chủ động được điện lưới, phải sử dụng điện máy phát nên điện áp thay đổi làm ảnh hưởng tới quá trình sục khí nhất là vào thời gian mùa hè, nhiệt độ nước cao trên 18oC (ôxy bão hoà chỉ đạt 7,4 - 7,7%. Khi nhiệt độ nước là 11-13% thì mức ôxy bão hoà đạt 9,8-10,3% mg/l).
Cá hồi được ương nuôi theo công nghệ của Phần Lan, thức ăn cho cá sử dụng bằng thức ăn công nghiệp được mua từ Phần Lan. Cá Hồi là loại cá đặc thù và được nuôi ở đầu nguồn nước chảy, sử dụng thức ăn viên khô (35-65% đạm) và được trộn thêm vitamin C, vitamin B1.
Tỷ lệ cho cá ăn từ 3,5% - 5% khối lượng cá trong ao nuôi, tùy thuộc vào nhiệt độ nước và mức ôxy hoà tan trong ao mà cho cá ăn tỷ lệ phù hợp. Hệ số thức ăn tiêu thụ và mức tăng trọng lượng của cá hồi là 1/1, 1kg thức ăn tiêu thụ thì đạt được 1kg cá thịt.
Cá được nuôi trong môi trường nước chảy, đảm bảo độ sạch, nếu nước đục, bẩn, cá sẽ kém ăn và phát triển chậm, do đó phải thường xuyên kiểm tra ao nuôi để đảm bảo nguồn nước luôn sạch, khi phát hiện nguồn nước bị đục thì phải xử lý kịp thời bằng cách cung cấp định kỳ muối cho ao nuôi để bổ sung thêm các ion kim loại cần thiết sẽ giúp cho ao nuôi luôn trong sạch.
Khi nuôi cá hồi vân cần lưu ý thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường như nhiệt độ nước, oxy hòa tan phải luôn duy trì trên 6mg/l. Tiến hành xi phông đáy ao bể hàng ngày tránh hiện tượng nước bị ô nhiễm do lượng thức ăn nhiều, chất thải... vì hàm lượng đạm, mỡ trong thức ăn cá hồi rất cao.
Nếu nuôi lồng định kỳ làm sạch lồng với chu kỳ 3 ngày/lần và cứ 1 tháng tiến hành thay lưới mới nhằm tránh hiện tượng lưới ngâm lâu ngày dễ phát sinh bệnh tật.
Nuôi cá hồi cần thực hiện chế độ ghi chép nhật ký và giám sát thường xuyên. Giám sát và ghi chép hàng ngày về chế độ nước, cho ăn, dùng thuốc, hiện trạng bắt mồi của cá.
3. Phòng trị bệnh ở cá hồi vân:
Công tác vệ sinh bể nuôi, bể cấp nước luôn được coi trọng, dụng cụ cho ăn được phơi nắng, hạn chế người lạ vào khu vực sản xuất.
Khi nuôi cá hồi bệnh thường gặp nhiều nhất là do nấm và ký sinh trùng... vì vậy cần có chế độ chăm sóc cẩn thận như tắm muối định kỳ 2 tuần/lần, nồng độ 2% trong khoảng 20 - 30 phút.
Vào những ngày nắng gắt, khi nhiệt độ nước đạt 19- 20oC hoặc sau mỗi đợt mưa nước bị đục thì bổ sung nước muối loãng.
4. Thu hoạch cá hồi vân:
Cá hồi nuôi khoảng 12 - 15 tháng có kích cỡ trung bình đạt 1,5 - 1,8kg là tiến hành thu hoạch. Khi thu hoạch thực hiện thao tác nhẹ nhàng vì thể trạng của cá rất yếu dễ bị chết làm giảm giá trị sản phẩm.
Sau 14 tháng nuôi tiến hành thu hoạch cá lớn bán dần cá nhỏ nuôi tiếp cho đến khi đạt kích cỡ thương phẩm thì xuất bán hàng loạt.