Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá khế vằn

Lê Thị Như Phượng
Cập nhật 13/05/2018

1. Kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ và cho đẻ

1.1.  Nuôi vỗ cá bố mẹ

     - Nguồn cá bố mẹ: đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc từ đàn nuôi thương phẩm (cá giống từ tự nhiên). Khối lượng: 1 – 2kg/con. Thời gian nuôi vỗ: 11 – 12 tháng, khối lượng đạt 2 - 3 kg/con.

     - Điều kiện nuôi: lồng bè trên biển. Mật độ nuôi: 1,5- 3kg/m³  lồng 

     - Thức ăn: cá (nục, mối, trích…), tôm, mực, vitamin B, C, E. Cho ăn 1 lần/ngày.

     - Chăm sóc: định kỳ thay lồng, vệ sinh lưới lồng hoặc kết hợp kiểm tra cá để sang lồng nuôi khác.

1.2. Cho đẻ

     - Gây mê cá trước khi kiểm tra bằng thuốc gây mê EME, nồng độ 200-250ppm.

     - Cách kiểm tra: Cá đực dùng ống nhựa mềm đưa vào lỗ niệu hút nhẹ nếu có sẹ đặc màu trắng sữa, dễ tan trong nước là cá đã thành thục; Cá cái dùng ống nhựa mềm đưa vào lỗ sinh dục 2 -3 cm, hút nhẹ lấy trứng ra, cho lên miếng thủy tinh, quan sát độ rời, độ đồng đều của trứng, màu sắc trứng để xác định độ thành thục của tuyến sinh dục. Nên chọn con cái có bụng to tròn, màu sắc sáng.

     - Kích dục tố sử dụng: HCG và  LHR. Liều lượng: Cá cái là HCG 1000-1500UI/kg cá và LHR-A 25-35μg/kg cá, liều lượng cho cá đực bằng ½ cá cái. 

     - Cách tiêm: Tiêm vào phần cơ mềm ở lưng, góc tiêm 45º so với thân cá, độ sâu mũi kim tiêm (kim tiêm 21) vào phần cơ 1 – 1,5cm. 

     - Thời gian tiêm: Tiêm 1 lần (7h sáng), thời gian hiệu ứng thuốc khoảng 30-36 giờ. 

     Cá sau khi tiêm thuốc cho vào lồng nuôi trên biển và có lưới  may bằng vải bọc bên ngoài để giữ trứng cá.

1.3. Thu và ấp trứng cá

     -Trứng cá dạng nổi, ở độ mặn trên 28-30‰ thì trứng thụ tinh nổi trên mặt nước. Dùng vợt hoặc lưới kéo để thu trứng cá.

     - Mật độ ấp 1.000 – 2.000 trứng/lít. Sục khí nhẹ liên tục trong suốt quá trình ấp nở.

     - Nhiệt độ nước 26 – 30oC,  độ mặn 28 - 30‰.

     - Thời gian ấp trứng 18 – 24 giờ.

     Trứng sau khi ấp nở thành cá bột, định lượng số lượng rồi chuyển vào bể ương nuôi.

2. Chuẩn bị thức ăn tươi sống cho giai đoạn ương cá hương

2.1. Vi tảo

     - Sử dụng các loài tảo đơn bào Nannochloropsis oculata, Tetraselmis sp, Isochrysis galbana, nuôi trong túi nylon. Môi trường nuôi cấy là ISONATE. 

     - Điều kiện môi trường nuôi tảo: Nhiệt độ ổn định 26-28oC, độ mặn 26-32‰, pH 8,2 - 8,7. Túi nuôi tảo được đặt ngoài trời có lưới đen che để giảm ánh sáng chiếu trực tiếp. Sục khí 24/24 giờ.

2.2.  Luân trùng ( Rotifer)

     Điều kiện nuôi: Độ mặn 30 -32‰; nhiệt độ 28 -35ºC , pH 7,5-8,5. Thức ăn cho luân trùng gồm vi tảo (Nannochoropsis oculataTetraselmisis sp), men bánh mì. Thường 1 kỳ nuôi luân trùng kéo dài 2 tuần, để đảm bảo nguồn thức ăn cho cá phải bố trí bể nuôi xen kẽ để cung cấp liên tục lượng luân trùng làm thức ăn hàng ngày trong giai đoạn ương cá bột lên cá hương.

2.3.  Ấu trùng của Artemia

     - Ấp nở: Sử dụng nước biển lọc sạch, độ mặn 25-28‰, sục khí liên tục, thời gian ấp 24-36 giờ.

     - Thu hoạch: Tắt sục khí chờ 5-10 phút, vỏ trứng nổi, nauplii và trứng không nở chìm ở đáy. Che một bên và chiếu sáng một bên bể ấp, dung ống siphon hút nauplii ra ngoài. Làm giàu ấu trùng Artemia bằng Selco. Thời gian làm giàu 6 giờ.

2.4.  Copepoda

     - Điều kiện ao nuôi: Ao có diện tích (60x46)m², độ sâu 0,8 – 1,0m nước, đáy cát bùn, độ mặn 15-25‰. Bơm nước vào ao có lọc qua lưới, diệt tạp bằng Saponin 1kg/100m2. Sau đó bón phân gây màu bằng Ure 0,5kg/100m2, NPK 1kg/100m2, đồng thời bón phân vi sinh PSB 10-20 lít/100m2. Tạo điều kiện cho tảo phát triển làm thức ăn cho Copepoda.

     -Thời gian nuôi: 15-30 ngày, khi mật độ giảm dưới 10 cá thể/lít, thay nước 50%, hoặc thêm nước mới vào, bón phân để tiếp tục nuôi hoặc xả bỏ hoàn toàn gây nuôi đợt mới.

2.5.  Thức ăn tổng hợp

     Thức ăn tổng hợp NRD 2/3, NRD 3/5, NRD 5/8, kích cỡ hạt từ 200- 500µm, hàm lượng đạm >55%, lipid >9%.

3.  Kỹ thuật ương cá hương

3.1 Chuẩn bị bể ương


     - Bể ương: Bể ương xi măng có thể tích là 6m3, bể được đặt trong trại có mái che,. Trước khi tiến hành ương nuôi, hệ thống bể phải được chà rửa kỹ, sử dụng formol nồng độ 200ppm tạt lên thành bể và đáy bể xử lý mầm bệnh.

     - Xử lý nguồn nước: Nước biển sau khi lọc thô, chứa trong bể được xử lý bằng Chlorine 15ppm, sau đó trung hòa bằng Thiosunphat và chứa trong bể lắng, khi cấp nước vào bể ương nước được lọc qua túi siêu lọc. Sục khí nhẹ trong suốt thời gian ương nuôi.

3.2  Điều kiện môi trường ương nuôi

     Nhiệt độ: 26-29oC, độ mặn: 20- 25‰, pH=7,2- 8, Ôxy hòa tan: 6–7 mg/lít. 

3.3 Mật độ thả 

     Mật độ 10-15con/lít

3.4  Thức ăn và chế độ cho ăn

     Khi cá bắt đầu mở miệng thì cho ăn ấu trùng của luân trùng cùng với vi tảo trong thời gian 10 ngày. Đến ngày thứ 6 thì bắt đầu cho ăn luân trùng  và  kéo dài đến ngày thứ 15. Từ ngày thứ 12 cho ăn ấu trùng mới nở của Artemia hoặc ấu trùng Copepoda và Copepoda trưởng thành kéo dài đến ngày thứ 30 và từ ngày thứ 25 tập cho ăn thức ăn tổng hợp NRD 2/3, NRD 3/5 đến khi thu hoạch cá hương.

3.5 Chăm sóc

      Sau khi ương được 15 ngày tuổi, cá thường tập trung gần mặt nước và bám vào thành bể nên ta có thể siphon nhẹ ở giữa đáy bể ương đồng thời kết hợp với thay 10-15% lượng nước trong bể. Tỉ lệ nước thay tăng dần theo thời gian ương, sau 3-5 ngày thay nước 1 lần. Khi cá chuyển sang ăn thức ăn tổng hợp thì cường độ thay nước tăng lên, siphon thay nước hàng ngày và điều chỉnh lượng nước thay cho phù hợp tránh gây sốc do thay đổi môi trường nước đột ngột.

     Kỹ thuật ương cá giống từ 1,5 -2cm đến cỡ 4-5 cm


     a. Chuẩn bị hệ thống ương nuôi (lồng bè đặt trong ao đất)

     - Ao đất đặt lồng ương: diện tích 3.000- 5.000m2, mực nước ao cao 1-1,2m.

     - Kích thước lồng (4x4x1)m3, mắt lưới 2a =5 đến 10mm.  Mực nước sâu 0,8-1m.

     - Bố trí hệ thống sục khí và máy đập nước.

     b. Thả giống

     - Chọn giống khỏe mạnh, màu sắc tự nhiên, không bị trầy sướt và phân cỡ đồng đều. Cỡ giống 1,5 - 2 cm. 

     - Mật độ thả: 120- 150 con/m3.

     c. Thức ăn và chế độ cho ăn

     - Thức ăn tổng hợp NRD 3/5, NRD 5/8, NRD G8, kích cỡ hạt từ  200- 800µm, hàm lượng đạm >55%,  lipid >9%.

     - Chế độ cho ăn: cho ăn tập trung  4 lần/ngày, quan sát thấy cá ăn có bụng no, ăn chậm lại thì dừng không cho ăn nữa. Sau đó cho ăn liên tục bằng máy cho ăn tự động (tối tắt máy cho ăn tự động).

     d. Chăm sóc quản lý

     Cấp thêm nước vào ao khi mực nước xuống thấp. 5-7 ngày thay lồng mới và kết hợp phân loại cá. Việc lọc phân cỡ cá để tránh hiện tượng phân đàn có sự chênh lệch lớn giữa cá lớn và cá nhỏ, dễ dàng chăm sóc, cá phát triển đồng đều.

     e. Phòng và trị bệnh


     Quản lý môi trường tốt, tránh việc cho ăn quá nhiều thừa thức ăn. Trong thời gian ương nuôi chưa thấy xuất hiện bệnh.

4. Hiệu quả của mô hình nuôi cá khế vằn

4.1 Ưu điểm của giải pháp

     Cá này được nhiều ngư dân biết đến và đã từng được nuôi thương phẩm, tiêu thụ được tại địa phương và các tỉnh lân cận nên khi sản xuất được con giống nhân tạo góp phần vào đa dạng hóa đối tượng giống nuôi thủy sản phục vụ nuôi cá thương phẩm tại tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh bạn nói chung.

4.2  Khả năng áp dụng

     Hiện tại doanh nghiệp đã sản xuất đối tượng này trở thành cá giống hàng hóa, kể từ tháng 5/2016 đến nay doanh nghiệp đã sản xuất được hơn 300.000 con cá giống đạt kích cỡ 4-6 cm/con và xuất bán với giá 10.000 đồng/con (tương đương 2.000đ/cm chiều dài cá) cho các hộ nuôi tại Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang và Quãng Ngãi để nuôi cá thương phẩm và giải quyết được việc làm cho công nhân trong doanh nghiệp. 

     Hiện nay doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các tỉnh bạn, chúng tôi đang triển khai sản xuất cá giống để phần nào đáp ứng được nhu cầu cá giống của các hộ nuôi cá thương phẩm.

4.3 Lợi ích kinh tế - xã hội 

     Thực hiện sản xuất cá giống (Cá khế vằn) tại Khánh Hòa trước mắt góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản của địa phương nói riêng và các tỉnh bạn nói chung. Về lâu dài thì tỉnh Khánh Hòa là nơi chuyên sản xuất các loại giống thủy sản cung cấp nhu cầu trong và ngoài nước nên việc đầu tư sản xuất thêm một đối tượng mới là góp phần thêm phong phú và đa dạng hóa nguồn giống thủy sản tỉnh nhà.

4.4 Phạm vi ứng dụng

     Các trại sản xuất giống thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh có nhu cầu và đủ điều kiện kỹ thuật, cơ sở vật chất đều có thể áp dụng và thực hiện được giải pháp kỹ thuật này.

Tài liệu tham khảo

Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Khánh Hòa

Thẻ