Kỹ thuật nuôi cá sặc rằn trong ao vùng nhiễm phèn
Ks. Đặng Tấn Bá
Sặc rằn là loài chịu được điều kiện sống khắc nghiệt, lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp. Cá sống được với nước phèn có pH = 4,5 và hàm lượng Oxy hòa tan thấp. Cá thuộc nhóm ăn mùn bã hữu cơ, tảo…. Ngoài ra còn ăn được thức ăn trực tiếp như thức ăn viên. Để nuôi cá sặc rằn trong ao vùng nhiễm phèn, cần lưu ý những yếu tố kỹ thuật sau:
1. Thiết kế, cải tạo ao
Sặc rằn có thể nuôi trong ao, ruộng lúa…. Diện tích ao có thể từ 1.000 - 5.000 m2. Mực nước sâu 1,4- 1,6 m, vùng phèn không nên đào sâu sẽ đụng đến tầng phèn; nên làm ao nổi, có thể trải bạt mũ xung quanh ao, và giăng thêm dây cước trên mặt ao để chống chim cò. Ao nuôi cần bố trí gần kênh rạch có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt và ao phải thoáng để có thể tiếp nhận được đầy đủ ánh nắng trong ngày, giúp cho các sinh vật phù du phát triển, là nguồn thức ăn tự nhiên cho cá sặc rằn. Đối với ao mới đào, pH thấp 4-5, cần bón vôi và ngâm với liều lượng 50-70 kg vôi/100 m2 ao; sau 10 ngày kiểm tra pH nếu đạt từ 6-7 sẽ tiến hành thả giống. Những vụ sau, ao ít phèn có thể khi cải tạo bón 15- 20 kg vôi/100m2 ao.
Thiết kế ao nuôi
2. Con giống
Nếu ao nuôi có diện tích lớn hơn 1.000 m2 thì dùng lưới chắn lại khoảng 20% diện tích ao rồi thả cá giống vào để dễ chăm sóc, quản lý. Sau thời gian khoảng 1 tháng, mở lưới để cho cá ra ao.
Mật độ thả: 25- 30 con/m2, cỡ cá giống thả là 200 con/kg. Do nuôi công nghiệp nên chỉ nuôi đơn 1 loại cá sặc rằn trong ao, không nên nuôi ghép.
3. Chăm sóc, cho ăn:
Trong quá trình nuôi, khâu cho cá ăn và bón phân là rất quan trọng. Cần cho cá ăn đủ lượng và đủ chất, nên sử dụng một trong hai loại thức ăn:
- Thức ăn viên công nghiệp với hàm lượng đạm tối thiểu là 30%. Cá nhỏ nhu cầu đạm cao hơn cá lớn khoảng 35%.
- Thức ăn tự chế biến: (với các loại nguyên liệu và tỷ lệ) Bột cá lạt 40% + Cám mịn 40% + Bột gạo 19% + Premix 1 %.
Đối với thức ăn tự chế biến thì cho một ít nước vào trộn đều và nắm thành cục trước khi cho ăn. Cho cá ăn trong sàng để có thể kiểm tra lượng thức ăn thừa hay thiếu. Sàng ăn nên đặt cách đáy ao từ 50 – 60 cm.
Lượng thức ăn tự chế cho cá ăn hằng ngày từ 3 – 5% trọng lượng cá nuôi trong ao (ao ước tính 100 kg cá thì hằng ngày cho ăn từ 3 – 5 kg thức ăn).
Lượng thức ăn viên cho cá ăn hằng ngày từ 1,5- 3% trọng lượng cá nuôi trong ao (ao ước tính 100 kg cá thì hằng ngày cho ăn từ 1,5- 3 kg thức ăn). Hệ số thức ăn viên khoảng 1,75.
Cho cá ăn 2 lần vào 8 giờ sáng và 16 giờ chiều. Muốn cá đều phải cho ăn đủ và rải thức ăn đều khắp ao nuôi. Nếu có điều kiện có thể cho ăn thêm vào ban đêm. Định kỳ 15 ngày/1 lần cân kiềm tra trọng lượng, tỉ lệ sống để điều chỉnh thức ăn cho thích hợp không để thức ăn dư hoặc thiếu.
Ngoài ra, để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá, định kỳ 10 – 15 ngày bón phân NPK hay DAP 0,5-1 kg/100m3 ao (pha loãng với nước rải đều khắp ao). Lượng phân bón gia giảm tùy theo thời tiết và màu nước ao để giữ cho ao có màu xanh đọt chuối non. Nếu nước ngoài kênh có pH khoảng 6 trở lên có thể 5- 7 ngày thay cấp nước 1 lần, giúp cá ăn nhiều và mau lớn hơn.
Trong quá trình nuôi, việc bón vôi thường xuyên góp phần ổn định pH và phòng bệnh rất tốt với liều lượng 3-4 kg vôi/100m3 nước/7 ngày/1 lần, nhằm ổn định pH ở mức 6,5- 8.
Quản lý mức nước ao nuôi bao giờ cũng cao hơn mức nước bên ngoài, nhằm hạn chế pH thấp từ đất rò rỉ vào ao. Vào mùa mưa, cần lưu ý bón vôi trên bờ ao thường xuyên, với liều lượng 5 kg vôi/100 m2, nhằm hạn chế nước chảy xuống ao làm giảm pH đột ngột. Hàng ngày kiểm tra pH ao, nếu thấp hơn 6,5 nên bón vôi hay lân để tăng pH kịp thời.
4. Phòng trị bệnh
Quá trình nuôi có thể định kỳ 15 ngày/lần hay khi phát hiện có bệnh nhiễm khuẩn thì có thể sử dụng 1 trong các loại thuốc diệt khuẩn như BKC, Clorin, Virkon A, Iodin để tát vào ao theo liều hướng dẫn trên bao bì.
Khi phát hiện cá bị bệnh đen mình hay ký sinh có thể sử dụng CuSO4, Formol tát vào ao.
Trong quá trình nuôi có thể trộn thêm Vitamin C vào thức ăn theo chu kỳ 3 lần/10 ngày nhằm tăng sức đề kháng cho cá nuôi.
5. Thu hoạch
Sau 6 – 8 tháng nuôi có thể tiến hành thu hoạch, khi đó cá đạt tiêu chuẩn thương phẩm (120- 200 g/con).
Cá sặc rằn thương phẩm
Bơm tháo nước, chừa 0,8 m rồi kéo thu hoạch dần bằng lưới kéo. Khi kéo không còn nữa mới bơm cạn rồi thu hoạch dứt điểm.
Tài liệu tham khảo
http://www.khuyennongvn.gov.vn/vi-VN/khoa-hoc-cong-nghe/khcn-trong-nuoc/ky-thuat-nuoi-ca-sac-ran-cong-nghiep-trong-ao-vung-nhiem-phen_t114c40n17501