Kỹ thuật ương nuôi giống cá trê lai từ cá bột lên cá giống trong ao đất

Hứa Thành Công
Cập nhật 25/09/2018

        1. Mùa vụ ương :

Do đặc điểm sinh sản lai tạo giống cá trê lai hiện nay chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 9 hằng năm, do vậy mùa vụ ương nuôi giống cá trê lai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bắt đầu từ cuối tháng giêng đến tháng 9 Âm lịch hằng năm.

        2. Ao ương nuôi:

2.1. Chuẩn bị ao ương :

Diện tích ao từ 500m2 – 1.000m2, độ sâu của ao 1,5m, ao có cống cấp và thoát nước riêng biệt, đáy ao bằng phẳng và nghiêng về phía cống thoát nước. Địa điểm ao thuận lợi giao thông, xung quanh ao phải thoáng không có nhiều cây là nơi ẩn nấp của địch hại đối với cá giống.

2.2.Cải tạo ao :

Tháo nước, bơm cạn, phơi khô từ 3 – 7 ngày, mặt đáy ao nứt chân chim là tốt nhất, rải vôi 100 – 150kg/1.000m2, phát dọn kỹ xung quanh bờ ao, kiểm tra cống cấp và thoát nước. Nếu ao đã ương nuôi qua nhiều đợt nên sên vét lớp bùn đen bỏ đi.

2.3.Chuẩn bị nước :

- Nguồn nước cấp vào ao phải sạch không được ô nhiễm, cống cấp nước có túi lọc bằng lưới ruồi mịn nhằm ngăn chặn địch hại và cá tạp. Nước cấp vào ao ương nuôi chỉ nên trước khi thả cá bột khoảng 3-5 ngày nhằm hạn chế các động vật lưỡng thê như ếch nhái đẻ trong ao sớm.

- Xử lý nước bằng thuốc tím hoặc sunphat đồng với liều lượng 0,5 ppm ngay sau khi cấp nước đủ 1,1-1,2m. Sau 48 giờ xử lý tiếp bằng men vi sinh.

- Gây màu nước bằng cám gạo, đậu nành 20-30 kg/1.000m2, màu nước có màu xanh lá chuối non và độ trong của nước ao 20-30 cm là tốt nhất .

- Kiểm tra nguồn nước đảm bảo để thả giống khi các chỉ tiêu về thông số kỹ thuật nước PH = 7 -8,5 , nhiệt độ:26-30oC, hàm lượng khí NH3 và H2S< 0,01, độ trong 20-30 cm

            3.Thả giống:

3.1.Nguồn giống: chọn nơi mua giống cá bột phải đảm bảo chất lượng, thời gian vận chuyển về đến ao nuôi ngắn nhất không nên lâu hơn 10 giờ vận chuyển. Kỹ thuật vận chuyển phải đảm bảo.

3.2.Thời điểm thả giống: Thời tiết nắng thả sáng sớm hoặc chiều mát. Thời tiết mưa, lạnh nên thả vào gần trưa ấm áp.

3.3.Mật độ thả giống: 300-650 con/m2 tùy theo từng điều kiện về kỹ thuật, nguồn nước hoặc kích cỡ giống xuất để chọn mật độ phù hợp.

            4. Cho ăn:

4.1. Thức ăn sử dụng:

- Thức ăn công nghiệp: có độ đạm >30%,

- Thức ăn chế biến : cá tươi tạp xay nhuyễn;

- Thức ăn tự nhiên bằng phương pháp nuôi cấy: Luân trùng, giun quế,…

- Thức ăn bổ sung tăng dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin: sữa cá, …

4.2. Cách cho ăn:

- Số lần cho ăn : 3 -4 lần trong ngày vào 8, 10 giờ sáng và 4 giờ chiều

- Từ ngày thứ nhất-ngày thứ 12: sử dụng thức ăn công nghiệp dạng bột mịn hàm lượng đạm 40%, lượng cho ăn 0,2 - 0,5kg/100.000 cá bột, bổ sung thêm sữa cá, nuôi cấy tăng cường sinh khối luân trùng;

- Từ ngày thứ 13 trở đi cho thức ăn công nghiệp dạng viên nhỏ hàm lượng đạm >30%, khẩu phần cho ăn 5 -10%;

- Từ ngày thứ 30 trở đi cho ăn cá tạp tươi xay nhuyễn vào lúc 10 giờ sáng, lượng cho ăn 5-10% trọng lượng cá trong ao/lần; các bữa còn lại dùng thức ăn công nghiệp.

Trong quá trình nuôi cần theo dõi sự tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Chu kỳ điều chỉnh thức ăn là 10 ngày/lần. Cứ 10 ngày kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá 1 lần trên cơ sở đó ước tính được khối lượng cá trong ao.

5. Chăm sóc quản lý và phòng bệnh:

- Kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường ao nuôi, tình trạnh sức khỏe, tốc độ sinh trưởng của cá;

- Phòng bệnh: định kỳ bón vôi liều lượng 20-30kg/1.000m2, xử lý nước bằng men vi sinh 7-10 ngày/lần nhằm cải thiện môi trường nước, bổ sung vitaminC và men tiêu hóa trộn vào thức ăn;

- Chuẩn bị nguồn nước để thay nước ao: nguồn nước không bị ô nhiễm, nước ao chứa phải được xử lý diệt mầm bệnh bằng thuốc tím hoặc sunphat đồng với nồng độ 0,5-1ppm;

- Thường xuyên kiểm tra bờ ao và xua đuổi địch hại.

6. Thu hoạch:

Sau 40 ngày ương nuôi có thể tiến hành thu hoạch cá giống, kích cỡ thu hoạch từ 4-5g/con. Trước khi thu hoạch 1 ngày không cho cá ăn, cá giống thu hoạch bằng cách kéo cá bằng lưới kéo chuyên dụng và được lưu giữ vào giai hoặc bể xi măng có sục khí trước khi xuất 1- 2 ngày.

7. Một số bệnh cá thường gặp:

Trong ương nuôi cá trê lai giống ta nên chú trọng công tác phòng bệnh tổng hợp,tuy nhiên có một số bệnh thường gặp và phương pháp trị bệnh như sau :

7.1. Bệnh do vi khuẩn gây lở loét và xuất huyết

- Tác nhân gây bệnh: do vi khuẩn Pseudomonas ssp hoặc Aeromonas ssp

- Mùa vụ xuất hiện: xuất hiện nhiều vào mùa xuân và mùa thu

- Dấu hiệu bệnh: cá ăn ít, xuất hiện các đốm đỏ trên da, vây, miệng và nắp mang; bệnh nặng gây cá chết hàng loạt lên đến 50%

- Trị bệnh : Dùng Oxytetracyclin liều lượng 2-4g cho 1 kg thức ăn, kết hợp cho thêm Vitamin C 1-2 g/kg thức ăn. Cho ăn liên tục 5-7 ngày.

Trường hợp cá hương cá giống bị bệnh xuất huyết, trị bằng kháng sinh chỉ có kết quả khi cá mới chớm bệnh. Khi cá đã nhiễm bệnh nặng, việc điều trị thường sẽ không mang lại kết quả. Do đó, nguyên tắc là theo dõi cẩn thận các hoạt động của cá và nếu có biểu hiện nhiễm bệnh thì cần điều trị ngay.

7.2. Bệnh nấm thủy mi

- Tác nhân gây bệnh: là các loài thuộc giống nấm Leptolegnia, Saprplegnia và Achlya

- Mùa vụ xuất hiện : mùa đông và mùa xuân

- Dấu hiệu bệnh: Xuất hiện các búi nấm màu trắng trên các điểm ký sinh như mang, miệng,vây…

- Trị bệnh: xử lý thuốc tím, sun phát đồng nồng độ 0,5 -1ppm, formol 20-25 ml/m3 để 2-3 ngày sau đó thay nước sạch >30% .

7.3 Hội chứng lở loét EUS

- Tác nhân gây bệnh: do nhiều tác nhân kết hợp gây ra như: Virus Rhabdo, vi khuẩn Aceromonas, nấm thủy mi, một số ký sinh đơn bào, sán lá đơn chủ, giáp xác ký sinh. Ngoài ra các yếu tố môi trường bất lợi như biến đổi nhiệt độ, nước ao do bẩn, ô nhiễm công nghiệp, thuốc bảo bệ thực vật, …

- Mùa vụ xuất hiện: Thời điểm giao giữa các mùa trong năm

- Dấu hiệu bệnh lý: cá ít ăn, thậm chí bỏ ăn hoạt động chậm chạp, nhô đầu lên mặt nước (cá treo đầu), các vết loét hoặc đốm đỏ xuất hiện trên thân sau đó lan dần ra cá yếu dần rồi chết .

- Trị bệnh: do cá bị bội nhiễm nhiều tác nhân gây bệnh vì vậy việc chữa trị cho cá khó khăn, hiện nay chưa có biện pháp hữu hiệu nào nên chú trọng phòng bệnh, khi gặp bệnh ta nên xử lý nước rồi thay nước sạch, loại bỏ cá yếu.

7.4 Bệnh do ký sinh trùng :

- Tác nhân gây bệnh: trùng bánh xe, trùng mỏ neo, trùng quả dưa, sán lá đơn chủ rận cá: cá tác nhân này ký sinh các bộ phận của cá như vây, mang, hốc mắt, phát triển nhanh khi môi trường thay đổi, ao nuôi dơ bẩn.

- Mùa vụ xuất hiện: Quanh năm, chú ý lúc thời tiết thay đổi.

- Dấu hiệu bệnh: cá vị trí ký sinh của tác nhân gây bệnh có đốm màu trắng sau đó lan dần, cá nhiễm nặng chết hàng loạt có thể gây cá chết hết.

- Trị bệnh: Xử lý thuốc tím, sun phát đồng liều lượng 0,5ppm, bón vôi 25-50kg/1.000m2, ngâm lá xoan trong ao. Nếu cá giống lớn kéo cá dồn lại và tắm cho cá bằng thuốc tím 10-12gr/1m3 trong thời gian 30 – 60 phút.

Tài liệu tham khảo

Quy trình được xây dựng dựa trên kết quả mô hình ương nuôi thử nghiệm giống cá trê lai từ cá bột lên cá giống năm 2014 tại Trại cá giống Hòa Khương.

Thẻ