Kỹ thuật nuôi cá trê lai vàng

Dương Nhựt Long
Cập nhật 13/09/2013

I - Đặc điểm sinh học

Cá trê lai vàng là kết quả của lai giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo giữa cá trê phi và cá trê vàng.

Cá trê vàng lai có ngoại hình tương tự như cá trê vàng, da trơn nhẵn, đầu bẹp, thân hình trụ, dẹp ở phía đuôi. Thân có màu vàng xám hoặc nâu vàng xám, phần bụng màu vàng nhạt, trên thân lốm đốm nhiều bông cẩm thạch và nhiều chấm trắng nhỏ theo chiều đứng (thẳng góc với thân cá).

Cá trê vàng lai rất mau lớn, trong điều kiện nuôi với mật độ thích hợp thức ăn đầy đủ, sau 3 – 4 tháng nuôi cá sẽ đạt trọng lượng trung bình từ 150 – 200 g/con. Cá sống trong môi trường nước hơi phèn và trong điều kiện nước hơi lợ (độ mặn < 5‰). Cá phát triển tốt trong môi trường nước có độ pH trong khoảng từ 5,5 – 8,0. Do cá có cơ quan hô hấp phụ nên cá trê vàng lai sống được trong ao, đìa nước tù, chịu đựng được cả những khi hàm lượng oxy trong nước xuống thấp (1 – 2 mg/l).

Cá trê vàng lai hoạt động, bơi lội, ăn mạnh vào buổi chiều tối hoặc ban đêm, lúc trời mờ sáng, vì vậy việc kéo lưới thu hoạch cá (cá giống và thịt) nếu thực hiện vào những thời gian kể trên sẽ đạt hiệu quả cao.

Mùa vụ thả nuôi thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch hàng năm.

II. Kỹ thuật nuôi cá thương phẩm trê vàng lai

1. Chuẩn bị ao nuôi

 Ao nuôi cá trê vàng lai có diện tích từ 1.000 – 3.000 m2 sẽ thuận tiện cho việc cho ăn, chăm sóc và thu hoạch.

Nếu là ao cũ: Vét bùn đáy ao, lấp hang hốc, phaats quang bụi rậm, phơi đáy ao 2 – 3 ngày, bón vôi từ 30 – 50 kg/1.000m2 để diệt tạp và điều chỉnh độ pH của nước ao. Bón lót phân chuồng với liều lượng 100 – 150 kg phân/1.000 m2. Lấy nước qua lưới lọc vào ao để ngăn ngừa cá dữ, địch hại theo vào trong ao. Sau 5 – 7 ngày có thể thả cá vào ao nuôi được. Mực nước ban đầu lấy vào khoảng 1 m, sẽ được tăng dần lên sau 1 tháng nuôi đến khi đạt độ sâu 1,2 – 1,5 m. 

Nếu là ao mới đào: Bón vôi với lượng từ 70 – 100 kg/1.000 m2 để giữ cho độ pH của nước ao từ 6 – 7,5 là tốt nhất.

2. Chọn cá giống

Chọn cỡ cá đồng đều, khoẻ mạnh, không bị xây sát, không bị bệnh, bơi lội nhanh nhẹn, đánh móng mạnh. Nếu ao không bị rò rỉ, có thể rút cạn nước và diệt tạp triệt để thì nên thả nuôi cá cỡ nhỏ 3 – 4 cm hoặc 4 – 5 cm để giảm được chi phí về con giống. Nếu ao có lỗ muội bị rò rỉ, không diệt được tạp triệt để thì phải thả cá cỡ 5 – 6 cm hoặc cá lứa (10 – 12 cm), nhằm giảm được tỷ lệ hao hụt của cá nuôi.

3. Mật độ thả  

Nuôi đơn
        Cỡ cá (cm) Mật độ thả (con/m2) Thời gian bắt đầu thu hoạch
         3 -  4cm 60 – 70 con/m2 Sau 3 tháng nuôi
         4 – 6cm 40 – 50 con/m2 Sau 3 tháng nuôi
         5 – 7cm 30 – 40 con/m2 Sau 3 tháng nuôi
         10 – 12cm 20 - 30 con/m2 Sau 2,5 tháng nuôi

Nuôi ghép
          Mục đích là tận dụng hết thức ăn trong ao nuôi, có thể thả ghép cá trê vàng lai chung với các loại cá sau: rô phi, chép, trắm cỏ, trôi. Mật độ thả cho từng cá như sau:
           Loại cá Cỡ cá (cm) Mật độ thả (con/m2) Thời gian bắt đầu thu hoạch

           Trê vàng lai 4 – 6cm 10 con/m2Sau 3 tháng (= 250g/con)
           Trôi 6 – 8cm 5 con/m2 Sau 6 tháng (= 250g/con)
           Chép 6 – 8cm 3 con/m2 Sau 6 tháng (= 300g/con)
           Rô phi 6 – 8cm 10 con/m2 Sau 4 tháng (= 200g/con)
           Trắm 6 – 8cm 1 - 2 con/m2 Sau 8 tháng (= 500g/con)

           Trong trường hợp này thời gian thu hoạch sẽ thay đổi theo lại cá, tốc độ lớn, kích cỡ thương phẩm được thị trường ưa chuộng. Như vậy sau thời gian nuôi 3 tháng sẽ thu hoạch và thả bù cá trê vàng lai với kích cỡ lớn hơn, thường là 10 – 12 cm hoặc 12 – 15 cm, thả bù cá rô phi cỡ 8 – 10 cm sau khi kéo lưới thu hoạch đợt 1.

4. Thức ăn nuôi cá và chăm sóc

             Cá trê vàng lai ăn tạp, rất háu ăn, có tập tính ăn gần tương tự như cá trê vàng. Thức ăn nuôi cá thường gồm các loại phụ phế phẩm của các nhà máy đông lạnh như đầu vỏ tôm, da ruột mực, đầu lòng cá, ruột sò điệp … cám thức ăn gia súc, cám gạo, bắp xay, con ruốc, cá phân (xay).

              Ngoài ra, để giúp tăng trưởng nhanh, ít bệnh, trong quá trình nuôi cần định kỳ bổ sung premix vitamin (loại dùng cho heo thịt) 1 tuần 1 lần với lượng 1 – 2% của tổng lượng thức ăn cho ăn trong ngày.

            Trong hai tuần đầu khi mới thả cá còn nhỏ nên băm thức ăn để vừa với cỡ miệng của cá.

             Bắp xay nên ngâm nước cho nở khoảng 15 – 20 phút trước khi nấu với nước sôi. Sau khi nấu chín trộn với cám khô theo tỷ lệ 1/1 rồi trộn tiếp với con ruốc hoặc cá phân.

              Nếu cho ăn thức ăn tươi (đầu tôm, lòng ruột cá …) lượng thức ăn cho ăn trong 1 ngày bằng 10 – 15% tổng trọng lượng cá dự đoán dưới ao. Nếu dùng thức ăn tinh như cám, bắp… lươngj thức ăn cho cá ăn trong 1 ngày bằng 5 – 7% trọng lượng cá dự đoán. Trường hợp nuôi ghép chung với các loại cá khác (chép, trắm, trôi…) thì nên dùng kết hợp thức ăn tinh với thức ăn tươi theo tỷ lệ 1/1. Nếu cá ghép trong ao đã lớn thì có thể cho ăn bắp hột (xay thô) ngâm nước mà không cần phải nấu chín.

             Nếu cho ăn ở những vị trí cố định trong ao, thường xuyên phải theo dõi và điều   3 chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Tránh trường hợp cho ăn quá dư thừa làm thối bẩn nước ao tạo điều kiện cho bệnh cá phát triển.

               Trong thời gian nuôi cần theo dõi hoạt động của cá, màu nước trong ao. Sau một tháng đầu, cá tương đối lớn, có thể định kỳ lấy nước vào trong ao, cứ 5 – 7 ngày một lần thay khoảng 30% nước trong ao. Sử dụng nhiều thức ăn tươi thì cần chú ý thay nước thường xuyên hơn.

5. Một số bệnh

5.1. Một số bệnh trên cá hương, cá giống
         Ương cá trê vàng lai từ cá bột lên đến cỡ cá hương, cá giống là một giai đoạn rất quan trọng. ở giai đoạn này da cá mỏng, rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường bên ngoài nên cá dễ bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến tốc đọ tăng trưởng, có khi gây chết hàng loạt.
Bệnh trắng mình
              * Dấu hiệu: Thân cá có nhiều mảng trắng, cá bị tuột nhớt, râu cong quặp cá treo thân thẳng đứng với mặt nước hoặc bơi lội lờ đờ, chết rất nhanh với số lượng lớn. Bệnh có thể xảy ra ở cá bột cỡ 5 – 7 ngày tuổi, cỡ cá giống lớn 6 – 8 cm vẫn có thể nhiễm bệnh này.
               * Nguyên nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Flexibater columnaris, bệnh thường xảy ra ở các bể ương với mật độ dày, chất lượng nước xấu, nước bị thối bẩn do thay nước không thường xuyên. Vi khuẩn xâm nhập các cơ quan nội tạng của cá, huỷ hoại mang và các tế bào ở da cá làm cá khó thở, gây chết. ở bệnh này cùng với sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm và nguyên sinh động vật gây bệnh cũng đồng thời xâm nhập làm cá chết rất nhanh.
              * Cách xử lý: Trong bể xi măng hoặc bể bạt dùng Oxytetracyline với liều lượng 10 – 20ppm kết hợp với Formalin 25 ppm (25 ml/1 m3 nước). Hoặc dùng Oxytetracyline với liều lượng 10 – 20ppm kết hợp với muối ăn

6. Thu hoạch

               Sau 2 tháng rưỡi đến 3 tháng nuôi cá sẽ đạt kích cỡ thương phẩm (150 – 250g/con). Lúc này hình dáng bên ngoài của cá trê vàng lai sẽ rất giống cá trê vàng (chỉ khác nhau ở chỗ u lồi xương chẩm). Thu hoạch đợt 1 xong sẽ tiếp tục cho ăn tích cực, khoảng 10 – 15 ngày sau sẽ thu hoạch đợt 2. Thường ở đợt này lượng cá thu hoạch sẽ được nhiều hơn và tương đối đồng đều về kích cỡ hơn so với đợt 1. Nếu trong ao vẫn còn một số cá chưa đạt quy cỡ thì sẽ nuôi vỗ tiếp tục 2 tuần nữa và thu hoạch toàn bộ. Nên thả cá giống ngay từ đầu vụ nuôi (tháng 3 – 4 âm lịch) để đến thời điểm thu hoạch vào tháng 6, 7, 8 âm lịch cá thịt bán được giá cao, chi phí đầu tư con giống rẻ, dễ nuôi hơn lúc cuối vụ (do thời tiết cuối vụ thường lạnh, cá dễ bị bệnh).

          Sau khi trừ chi phí cải tạo ao, con giống, thức ăn, công chăm sóc bảo vệ… người nuôi thường có thể được lãi 40 – 45% so với tiền vốn bỏ ra ban đầu. Thu hoạch cá vào những mùa đụng cá đồng (thả cá giữa và cuối vụ) thì tiền lãi thu được sẽ thấp hơn do giá con giống cao, giá cá thịt rẻ, thường chỉ lãi 20 – 25% so với tiền vốn ban đầu.

Tài liệu tham khảo
Thẻ