Kỹ thuật cơ bản cần lưu ý khi nuôi lươn không bùn sử dụng thức ăn viên công nghiệp

Trần Thanh Hải - Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu
Cập nhật 30/03/2020

Mô hình nuôi Lươn không bùn, sử dụng thức ăn công nghiệp; ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân. Bởi đây là mô hình sản xuất rất phù hợp với  điều kiện đất đai, nguồn vốn, nhân lực, nguồn nước và trình độ kỹ thuật của đại đa số nông dân. Tuy nhiên bên cạnh những hộ sản xuất đạt hiệu quả thì còn một số hộ thả nuôi chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân là do bà con chưa nắm được đặc điểm sinh học, khả năng thích nghi của Lươn đối với môi trường nuôi như: pH, độ kiềm, nhiệt độ, thức ăn … nên trong quá trình chuẩn bị bể nuôi Lươn bà con chưa chuẩn bị kỹ các điều kiện tối ưu nhất để cho Lươn sinh trưởng và phát triển tốt, nên khi thả nuôi Lươn chưa đạt hiệu quả cao. Để nuôi Lươn đạt hiệu quả cao, bà con cần lưu ý một số kỹ thuật cơ bản sau:

1. Thiết kế bể nuôi

Diện tích bể: 6 – 20 m2, đáy bể và xung quang thành bể được lát bằng gạch men hoặc cao su.

2. Bộ vĩ

Có thể sử dụng ống nhựa hoặc tre làm vĩ (nếu sử dụng tre phải được vuốt láng, phơi khô và ngâm cho đóng rong); bộ vĩ gồm 2 lớp xếp chồng lên nhau, khoảng cách giữa các vĩ 10 cm, bộ vĩ được đặt giữa bể cách đáy bể 10 cm, cách đều 4 vách của bể 30 cm.

3. Cấp nước vào bể

Nước ao hoặc nước giếng khoan phải đảm bảo: pH: 6,5 – 7,5; Kiềm: 60 – 120 ppm; mực nước: 15 – 30 cm theo từng giai đoạn.

Lưu ý

- Nếu dùng nước giếng khoan (nước ngầm) thì ta củng cần phải xử lý; do nước giếng khoan ở những vùng độ kiềm rất cao, trong nước giếng hàm lượng một số chất sắt, nhôm, kẽm ... cao, nước này dùng để nuôi Lươn thì Lươn dễ bị bệnh. Ta nên xử lý nước trước khi đưa vào bể nuôi, có thể dùng ADTA để xử lý, liều lượng 2g/m3 nước.

- Nếu sử dụng nước máy (nước sạch) bơm vào bể lắng qua đêm, sau đó đưa vào bể nuôi lươn; do nước máy (nước sạch) có hàm lượng Chlorin nên khi đưa trực tiếp vào Lươn dễ bị bệnh chết.

4. Chọn Giống

Chọn mua ở các cơ sở có uy tín, Lươn biết ăn thức ăn công nghiệp (Kích cỡ 500 con/kg), Lươn có màu vàng sẫm, không bị sây sát, không dị hình, khỏe mạnh, đồng cỡ.

5. Thả giống

Mật độ thả: 250 – 300 con/m2, tắm nước muối với liều: 50g muối/lít nước tắm 10 – 15 phút.

6. Thức ăn viên công nghiệp

- Độ đạm: 40 % trở lên

- Chế độ cho ăn:

+ 2 tháng đầu cho ăn với khẩu phần ăn 5-7% so với trọng lượng thân.

+ Sau 2 tháng cho ăn 3-4% so với trọng lượng thân.

+ Cho ăn 2 lần/ngày, sáng 7h, chiều 18h.

7. Chăm sóc

- Thường xuyên theo dõi chất lượng nước, luôn giữ môi trường nước sạch.

- Lươn nuôi được 2,5 tháng tiến hành phân cỡ Lươn.

- Theo dõi sức ăn của Lươn mà điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý.

- Trộn vitamin c, men tiêu hóa vào thức ăn cho lươn ăn; giúp Lươn tăng sức đề kháng và tiêu hóa tốt thức ăn.

- Định kỳ 2 tháng xổ giun sán cho Lươn 1 lần, sử dụng thuốc xổ giun sán Fugacar 4 viên/kg thức ăn.

Nhìn chung, nuôi Lươn không bùn là một nghề nuôi mới nhưng không khó, nếu ta nắm vững các đặc tính của lươn và kỹ thuật nuôi thì ai củng có thể nuôi được.

Tài liệu tham khảo
Thẻ