Hạ thủy tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung
Sáng 29/5, chiếc tàu hậu cần nghề cá lớn nhất khu vực miền Trung đã được hạ thủy, thể hiện khát vọng vươn khơi xa của ngư dân Việt Nam.
Tàu hạ thủy thành công, mở ra hướng mới cho ngư dân Đà Nẵng
Chủ tàu là anh Lê Văn Sang (SN 1985, trú phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: “Con tàu được bắt đầu đóng từ tháng 3/2012 với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Hơn 90m3 gỗ kiền kiền đã được sử dụng, 3 máy tàu cá đời mới với tổng công suất gần 1.200CV giúp con tàu có thể hoạt động ổn định trong điều kiện gió bão cấp 7-8”.
Theo thiết kế, tàu có chiều dài 26m, rộng 6m, cao hơn 6m, 27 khoang chứa với tổng thể tích 120m3, tốc độ từ 10-12 hải lý/giờ, có thể chứa 5-7.000 lít dầu, 1.200-1.500 cây đá lạnh, 20 tấn lương thực, nước uống… Với sức chở hơn 150 tấn hàng hóa, tàu đảm bảo cung cấp cho các tàu cá vươn khơi xa, bám ngư trường trong thời gian dài.
Anh Sang cũng cho biết, tàu có khả năng hoạt động trong vùng biển cách bờ từ 400-500 hải lý với mỗi chuyến đi từ 3-7 ngày để cung cấp dịch vụ và thu mua hải sản của ngư dân đem về đất liền với mỗi chuyến đi tổn phí từ 20-40 triệu đồng.
Cũng trong sáng 29/5, phường Thuận Phước (Hải Châu, Đà Nẵng) đã ra mắt tổ dịch vụ hậu cần nghề cá vùng khơi số 4 để giúp ngư dân của địa phương nói riêng và các địa phương khác tiếp cận với các dịch vụ ngay trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường.
Phát biểu với các ngư dân, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng - ông Nguyễn Phú Ban - cho rằng sự kiện hạ thủy chiếc tàu hậu cần nghề cá và ra mắt tổ dịch vụ này rất có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngư dân Đà Nẵng nói riêng và ngư dân các tỉnh khác nói chung.
Ông cũng cho rằng trong tình hình khó khăn hiện nay mà một gia đình ngư dân bỏ một số tiền lớn để đầu tư một chiếc tàu hậu cần nghề cá này là cả một sự can đảm và dũng cảm, thể hiện ước mơ bám biển và vươn khơi xa của bà con ngư dân.
“Làm thế nào để nghề cá của TP Đà Nẵng hình thành chuỗi giá trị thì mới phát triển bền vững được. Qua đó, lợi ích của các bên được đảm bảo hài hòa và rủi ro thì chia sẻ cho nhau. Mong rằng bà con ngư dân chúng ta cố gắng liên kết lại để bám biển vươn khơi xa…”, ông Ban phát biểu.