TIN THỦY SẢN

Tình hình dịch bệnh thủy sản 9 tháng đầu năm 2023

Thiệt hại trên các loài thủy sản khác không có biến động lớn so với cùng kỳ Sáu Nghệ

Cục Thú y cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 22.500 ha, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2022 (có 20.089 ha thiệt hại); ngoài ra còn có 1.513 bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại.

Trong đó, thiệt hại chủ yếu xảy ra trên tôm nuôi nước lợ với một số bệnh cần chủ động đề phòng. 

Chủ yếu thiệt hại tôm nước lợ 

Tôm nuôi nước lợ thiệt hại 19.853 ha, chiếm trên 88% tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, tăng 222 ha so với cùng kỳ năm 2022 (có 19.631 ha bị thiệt hại); chủ yếu ở nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa với 14.465 ha; còn nuôi thâm canh, bán thâm canh 5.388 ha. Trong đó, thiệt hại do dịch bệnh 5.129 ha (chiếm 25,8% tổng diện tích tôm bị thiệt hại), thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân 915 ha (chiếm 4,6%), thiệt hại do biến đổi môi trường và thời tiết 13.809 ha (chiếm 69,6%, chủ yếu tôm nuôi quảng canh ở Cà Mau). 

Còn cá tra thiệt hại trên 341 ha; giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022; chủ yếu do mắc bệnh: gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng và một số bị sưng bóng hơi, phù đầu và tuột nhớt.  

Thiệt hại trên các loài thủy sản khác không có biến động lớn so với cùng kỳ. 

Dịch bệnh chính trên tôm nước lợ 

Thứ nhất là bệnh đốm trắng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, bệnh đốm trắng xảy ra tại 156 xã của 47 huyện, thị xã thuộc 19 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 1.617 ha (chiếm 1,38% diện tích nuôi tôm tại các xã có dịch). So với cùng kỳ năm 2022, bệnh xảy ra ở phạm vi hẹp hơn 6% và diện tích có tôm mắc bệnh giảm 11%. 

Trong đó, diện tích nuôi tôm sú bị bệnh 630 ha; tôm thẻ bị bệnh 987 ha. Tôm bệnh có độ tuổi từ 20-90 ngày sau thả. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh 1.130 ha; quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa 487 ha. Tỉnh Trà Vinh có diện tích bị bệnh lớn nhất, chiếm 20,80% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh. 


Tình hình bệnh đốm trắng theo số lượng địa phương và diện tích

Thứ hai là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Trong 9 tháng đầu năm 2023, bệnh xảy ra tại 115 xã của 43 huyện, thị xã thuộc 19 tỉnh, thành phố với diện tích 1.090 ha (chiếm 2,5% diện tích nuôi tôm tại các xã có dịch). So với cùng kỳ năm 2022, bệnh xảy ra ở phạm vi hẹp hơn 18,4% và diện tích có tôm mắc bệnh giảm 26,6%. 

Trong đó, diện tích tôm sú bị bệnh là 439 ha; tôm thẻ bị bệnh 651 ha. Tôm bệnh có độ tuổi từ 20-97 ngày sau thả. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh 1.072 ha, quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa 18 ha. 

Tình hình bệnh hoại tử gan tụy cấp tính theo số lượng địa phương và diện tích


Bản đồ phân bố bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử tụy gan cấp ở các địa phương

Công tác kiểm dịch giống thủy sản 

Kiểm dịch giống thủy sản nhập khẩu: Trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu  gần 94 triệu giống thủy sản phục vụ nuôi biển, bằng 74% so với lượng giống nhập khẩu trong năm 2022. Tôm hùm đá vẫn là giống nhập khẩu với tỷ trọng lớn nhất chiếm 82% tổng lượng giống nhập khẩu, đứng thứ 2 là tôm hùm bông với trên 9 triệu con chiếm 10% lượng tôm giống nhập khẩu. Tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu đạt 52.541 con, chỉ bằng 26% lượng tôm thẻ chân trắng nhập khẩu trong năm 2022 (205.263 con). 

Việc kiểm dịch thuỷ sản giống vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Do các chi cục quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thực hiện. Ấu trùng tôm thẻ chân trắng được kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh đạt trên 91 tỷ con, chiếm 86% số lượng giống thủy sản nước mặn được kiểm dịch vận chuyển, góp phần đảm bảo chất lượng tôm giống thả nuôi. Số lượng tôm sú vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh đạt trên 12 tỷ con, chiếm trên 11% lượng giống thủy sản vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. 

Nhận định tình hình dịch bệnh  

Bệnh nguy hiểm trên tôm chủ yếu vẫn là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính, tuy có giảm nhẹ so cùng kỳ năm 2022; bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô xuất hiện ở phạm vi hẹp với diện tích nhỏ. Vi bào tử trùng EHP xuất hiện tại vùng nuôi của các tỉnh trọng điểm nuôi tôm như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và có nguy cơ lây lan rộng. Một số bệnh thông thường khác trên tôm vẫn xảy ra (chủ yếu do vi khuẩn Vibrio sp), đặc biệt là bệnh đường ruột, hội chứng phân trắng, đỏ thân,... 

Tình hình bệnh tôm diễn biến khá phức tạp. Ảnh: khuyennongvn.gov.vn

Dịch bệnh trên cá tra cơ bản được kiểm soát tốt và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu vẫn là bệnh xuất huyết do vi khuẩn, ký sinh trùng. Còn các loài thủy sản khác, đáng chú ý là phát hiện cá hồi (dưới 3 tháng tuổi) nuôi tại 6 cơ sở (xã Ngũ Chỉ Sơn, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai) nghi bị mắc bệnh hoại tử tuyến tụy (Infectious Pancreatic Necrosis Virus, IPNV) và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu do IHNV (Infectious Haematopoietic Necrosis Virus, IHNV). Đây là 2 bệnh nguy hiểm do vi rút gây ra trên cá hồi, tỷ lệ chết cao, tuy nhiên ổ dịch đã được cơ quan thú y xử lý. 

Đánh giá và khuyến cáo 

Cục Thú y đánh giá, về cơ bản, thiệt hại xảy ra trên tôm nuôi, chủ yếu do hội chứng phân trắng, đỏ thân, bệnh đường tiêu hóa kết hợp với EHP.... xuất hiện ở nhiều hình thức nuôi tôm (cả ao bạt và ao đất). Bệnh trên cá tra, cá nuôi khác chủ yếu là xuất huyết (do vi khuẩn) và ký sinh trùng. 

Hiện nay, biến đổi khí hậu, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn, mưa lũ,... làm môi trường thay đổi và tác động xấu đến sức khỏe thủy sản, tạo thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh (luôn luôn có sẵn trong môi trường, trên các loài thủy sản tự nhiên) phát triển và gây bệnh cho thủy sản nuôi. Cục Thú y khuyến cáo cơ sở nuôi cần áp dụng các biện pháp chủ động kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là lựa chọn con giống, kiểm soát chất lượng nguồn nước ao nuôi, tăng cường chế độ dinh dưỡng và áp dụng quy trình quản lý ao nuôi phù hợp để đảm bảo thắng lợi. 

Sáu Nghệ