Trở lại khu vực kênh Bảy Xã vào một ngày trung tuần tháng 9 (âm lịch), nước lũ từ thượng nguồn đổ về dâng ngập cả cánh đồng biên giới. Hướng tầm mắt xa xa, hàng chục chiếc xuồng trên đồng nước mênh mông đang thả lưới, giăng câu. Ở vùng kênh Bảy Xã, hầu hết người dân sống bằng nghề câu lưới, lọp, lờ… khai thác thủy sản. Không chỉ người dân địa phương, nhiều người từ Kiên Giang, Đồng Tháp cũng sang khai thác nguồn lợi thủy sản ở cánh đồng biên giới này.
Chủ tịch UBND xã Phú Hữu Trương Chí Thông cho biết: “Nước lũ về mang theo niềm vui cho bà con vùng lũ. Mấy ngày nay, bà con khai thác nguồn lợi thủy sản để có thêm thu nhập. Xã tăng cường tuyên truyền để bà con không đánh bắt bằng các loại ngư cụ cấm, đồng thời đảm bảo an toàn khi mưu sinh trên sông nước”.
Trên các cánh đồng của 3 xã bờ đông sông Hậu: Phú Hữu, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, nước lũ tràn đồng, khi nước lớn có nơi ngập sâu hơn 1m. Vậy là sau nhiều ngày đón đợi, nước lũ đã tràn đồng và ngư dân vùng đầu nguồn có thêm cơ hội sinh kế.
Mặc dù nước lũ năm nay thấp hơn cùng kỳ nhưng dù sao cũng gỡ khó cho ngư dân vùng đầu nguồn. Nếu tháng trước, người dân không lên đồng đánh bắt được (do không có lũ), chỉ còn biết đánh bắt trên các nhánh sông, kênh, rạch, thì nay có thể dong xuồng trên đồng thả lưới, giăng câu, đặt lọp...
Ông Trần Văn Ngang (ngư dân ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, An Phú) cho biết: “Lũ năm nay thấp hơn năm trước khoảng 7 tấc nhưng lên rất muộn, tôm cá rất ít. Tôi đặt 2 cái dớn, 2 ngày mới đổ 1 lần nhưng chỉ được chừng vài kg cá. Cá tôm ít, giá cũng thấp, chỉ 30.000 đồng/kg cá tươi sống, còn cá mồi chỉ 10.000 đồng/kg nên thu nhập rất bấp bênh”.
Những ngày qua, người dân ở các xã biên giới Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Phú Hội… tất bật công việc mưu sinh trên các cánh đồng nước lũ. “Mặc dù tôm cá rất ít nhưng cũng gỡ khó cho ngư dân. Với lại, nghề này gắn bó lâu nay, mình không bỏ được. Tụi nhỏ có thể đi làm những công việc khác, nhưng mình gần 60 tuổi rồi đâu thể làm gì nặng nhọc. Được thong dong trên đồng nước là vui rồi”- ngư dân Hà Văn Phường trần tình.
Cua đồng có giá từ 50.000-70.000 đồng/kg, càng cua đồng có giá từ 100.000-270.000 đồng/kg, tùy kích cỡ nhỏ, trung, lớn… Với 100 lọp cua, mỗi ngày ông Phường chỉ đặt được vài kg cua nên thu nhập rất bấp bênh. Trong thời gian chờ thăm lọp cua, ông Phường giăng thêm lưới cá linh, cá chạch để kiếm thêm thu nhập, trừ hết chi phí mỗi ngày cũng kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng.
Mặc dù nước lũ về muộn nhưng thời tiết năm nay gây ảnh hưởng đến sản xuất người dân vùng đầu nguồn An Phú. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Mai Văn Bộ cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích sản xuất lúa và hoa màu bị ảnh hưởng hơn 1.294ha. Ngoài ra, xảy ra 17 đoạn sạt lở, dài 351m, mất hơn 1.600m2 đất, ảnh hưởng 12 nhà dân…
Nhận định tình hình thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, huyện An Phú tuyên truyền người dân chủ động chằng chống nhà cửa, đề phòng giông lốc, sạt lở để đảm bảo an toàn. Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện tiếp tục tăng cường theo dõi tình hình mưa lũ, ứng trực 24/24 giờ và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; tập trung gia cố đê bao để đảm bảo “ăn chắc” các vụ sản xuất.
“Có nước lũ về, bà con vùng đầu nguồn vui lắm. Vì từ lâu, chúng tôi coi mùa lũ là dịp mưu sinh. Hiện giờ mặc dù tôm cá không nhiều nhưng thường thì tháng 10 (âm lịch) là lúc cá ra sông. Ngư dân mong chờ sắp tới sẽ khai thác được nhiều hơn để cuộc sống đỡ bấp bênh” - ngư dân Trần Văn Vẹn chia sẻ!