Anh Nguyễn Văn Lợi - ngụ ấp Bình Thành A, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự cho biết, đầu tháng 5/2012 đã thả nuôi khoảng 400 ngàn con tôm giống, với giá 230 đồng/con, trong diện tích ao ươn khoảng 3.000m2. Dự kiến sau khoảng thời gian 2 tháng chăm sóc, tôm phát triển, khi lũ về là cho lên ruộng, với diện tích khoảng 4ha. Hiện nay mọi công tác chuẩn bị về phương tiện, dụng cụ để bảo vệ tôm trong mùa nước đã cơ bản hoàn thành, thế nhưng nước lũ lên rất chậm, không thể thả tôm ra ruộng được.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Bừa - ngụ ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự. Vụ nuôi này, anh tăng số lượng thả ươn lên 100 ngàn con tôm giống cũng trên diện tích ao khoảng 1.000m2, diện tích đăng quầng khi tôm lên ruộng là 1,2ha và hy vọng lũ sẽ về đúng theo kế hoạch, vụ nuôi tiếp tục đạt thắng lợi. Tuy nhiên, hiện nay tôm đã phát triển vượt so với kế hoạch cho lên ruộng nhưng lũ về chậm chưa đảm bảo cho tôm lên ruộng, tôm vẫn nằm chờ trong ao. Anh Nguyễn Văn Bừa cho biết: “Trong hầm chật hẹp, tôm bị bệnh nổi đầu, do đó tốn nhiều chi phí thuốc điều trị”.
Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn thị xã Hồng Ngự. Đến thời điểm này chưa thể khẳng định nước lũ năm nay sẽ lớn hay nhỏ, nhưng trước mắt ngoài sự lo lắng của các hộ nuôi, ngành chức năng thị xã, chính quyền địa phương cũng đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Bởi đây có thể xem là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao trong mùa nước cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Nói về vấn đề này, ông Lê Thanh Tuấn - P. Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: “Năm nay lũ về trể nên các hộ nuôi tôm bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, các ngành chức năng cần có cách hướng dẫn về mặt kỹ thuật để làm thế nào giảm thiệt hại cho dân trong mùa vụ nước lên chậm như thế này”.