Cung - cầu phải gặp nhau
Những năm gần đây, mức độ khó khăn của ngành cá tra ngày càng trầm trọng. Cụ thể, giá cá tra quá lứa hiện được các thương lái trên địa bàn tỉnh mua vào từ 17.000 – 17.200 đồng/kg, so với giá sàn nuôi, nông dân lỗ ít nhất 2.000 đồng/kg. Những người tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng cá tra thì mức độ thua lỗ nhẹ hơn những người bên ngoài, vì họ mua được thức ăn với giá tốt nhất, chi phí chữa bệnh thấp nhất. “Năm 2015 là năm khó khăn nhất của ngành cá tra. Ngư dân, nhà máy chế biến đều gặp khó dẫn đến ngân hàng và các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng gặp khó luôn. Đa phần ngư dân nuôi với hy vọng cá sẽ có giá nhưng nhìn lại trong suốt năm qua, giá cá tra dao động không như mong muốn. Tất cả những người tham gia sản xuất đều thua lỗ” – ông Trần Văn Tài, ngư dân Phú Tân, thông tin.
Nhìn lại quá trình phát triển của ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra trong 15 năm qua cho thấy, cung - cầu vẫn chưa gặp nhau. Tính từ năm 2000 đến nay, sản lượng cá nguyên liệu toàn vùng ĐBSCL xoay quanh trục từ 1,1 – 1,2 triệu tấn nguyên liệu/năm. Xuất khẩu năm 2014 đạt 1,74 tỷ USD nhưng giá xuất mỗi ngày một giảm, từ 3,2 USD/kg (năm 2000) nay chỉ còn 2,2 - 2,5 USD/kg (năm 2015). Điều đó dẫn đến giá cá nguyên liệu trong nước cũng giảm theo, trong khi giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản không giảm, ngư dân thua lỗ nặng. “5 năm trước, chúng tôi nuôi cá bán cho doanh nghiệp chế biến. Nay, mỗi doanh nghiệp đều có vùng nguyên liệu riêng. Khi cá nguyên liệu ở mức thấp thì doanh nghiệp mua cá của ngư dân, khi nguyên liệu ở mức cao thì doanh nghiệp bắt cá tại vùng nuôi của mình. Ngư dân đành chịu thua” – bà Trần Thị Lài, ngư dân TP. Long Xuyên, bức xúc.
“Qua 15 năm theo dõi tình hình nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, tôi nhận thấy cung - cầu vẫn chưa gặp nhau. Kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành quanh mức 1,7 – 1,9 tỷ USD/năm, nhưng toàn vùng ĐBSCL có khoảng 5.500 héc-ta nuôi cá tra, sản lượng có năm đạt trên 1,2 triệu tấn/năm, cung đã vượt cầu. Sản phẩm xuất khẩu dư, xảy ra tình trạng bán phá giá lẫn nhau là điều khó tránh khỏi” – ông Đỗ Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại thủy sản AFA, bức xúc.
Nâng cao chất lượng
Để cung - cầu gặp nhau, việc tổ chức lại sản xuất của ngành hàng cá tra là điều cần phải làm. Cần đẩy mạnh công tác dự báo thị trường để trên cơ sở đó, tổ chức nuôi với số lượng phù hợp. 5 tỉnh có sản lượng nuôi cá tra nhiều nhất khu vực ĐBSCL là Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long và An Giang cần có cơ chế phối hợp, liên kết để quản lý sản lượng thả nuôi hàng năm, tránh tình trạng cung vượt cầu như thời gian qua. “Chúng ta đã đề cập đến việc liên kết các tỉnh trong vùng từ lâu nhưng thực tế vẫn chưa làm được. Ngư dân chúng tôi cũng thấy bức xúc vấn đề này. Năm nào người nuôi cá tra lãi được 2.000 đồng/kg thì chắc chắn năm sau nhiều người “nhảy” vào nuôi, dẫn đến cá nguyên liệu nhiều nhưng đơn hàng xuất khẩu không tăng, cung vượt cầu là điều khó tránh khỏi. Nhà nước cần quản lý việc thả nuôi để tránh tình trạng trên” – bà Mai Thị Cẩm Tú, ngư dân huyện Thoại Sơn, đề xuất.
Bên cạnh việc điều tiết sản xuất theo hướng cung – cầu cho phù hợp, xuất khẩu cá tra cần hướng đến sản phẩm đạt chất lượng cao, bởi Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, sản phẩm cá tra xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thế giới. Muốn vậy, tỷ lệ mạ băng, hàm lượng ẩm phải ở mức độ nhất định, sao cho miếng file khi rã đông, chất lượng vẫn còn thơm ngon. “Thị trường thực phẩm thế giới bây giờ rất đa dạng, các loại cá thịt trắng, ngoài cá tra còn có cá minh thái, cá tuyết… Những loại cá này có thể thay thế cá tra. Nếu sản phẩm cá tra xuất khẩu có chất lượng thấp thì người tiêu dùng có thể mua các loại cá đó để thay thế” - ông Đỗ Văn Nghiệp cảnh báo. “Nhà nước muốn sản phẩm cá tra chất lượng được nâng cao nhưng chưa có cơ chế kích thích. Tôi nói cụ thể, cá tra nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP bán giá vẫn ngang bằng với cá tra nuôi bình thường, vậy nuôi theo VietGAP để làm gì? Đứng với góc độ là cơ quan quản lý, Nhà nước cần nghiên cứu để có giải pháp trong vấn đề này” – ông Tiêu Minh Tấn, ngư dân huyện An Phú, đề xuất.
“Cần tính toán, công bố giá sàn trong từng khâu, từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu. Nhà nước cần đưa ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra trở thành một ngành kinh doanh có điều kiện như đã từng làm với mặt hàng lúa gạo trong những năm qua, giúp Nhà nước làm tốt hơn vai trò quản lý của mình. Nhà nước có “cây gậy” nhưng sử dụng chưa hiệu quả để điều hành ngành hàng chủ lực của ĐBSCL” – ông Cao Lương Tri, ngư dân TP. Long Xuyên, phân tích.