Đây là cơ hội và là động lực quan trọng để ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định, nghề nuôi yến từng bước phát triển mạnh mẽ, hiện nay có khoảng hơn 1.500 nhà yến đang hoạt động, cho sản lượng thu hoạch hàng năm trên 3 tấn, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Tuy nhiên, công tác quản lý nuôi chim yến hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, như: Hoạt động phát triển các cơ sở gây nuôi chim yến chủ yếu theo hình thức tự phát, không khai báo theo quy định; Hoạt động sơ chế, chế biến các sản phẩm tổ yến còn manh mún, nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, tình trạng săn bắt chim yến vẫn có xảy ra tại một số địa phương, làm suy giảm đàn yến cả ngoài tự nhiên và cơ sở nuôi.
Tình trạng săn bắt chim yến vẫn có xảy ra tại một số địa phương, làm suy giảm đàn yến cả ngoài tự nhiên và cơ sở nuôi
Do đó, nhằm tăng cường công tác kiểm soát, quản lý hoạt động nuôi chim yến, khắc phục các tồn tại và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ tổ yến.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến; tăng cường tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý săn bẫy chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Theo đó, Sở Nông Nghiệp và PTNT chủ động phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến; vận động các cơ sở nuôi chim yến chấp hành các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, khai báo chăn nuôi, đăng ký mã số nhà yến….
Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết “Quy định Khu vực thuộc nội thành (thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư) không được phép chăn nuôi; Quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Định và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi” theo quy định của Luật Chăn nuôi. Nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành sẽ tác động lớn đến đời sống an sinh, việc làm và thu nhập của người dân; do đó cần có đánh giá toàn diện, ý kiến chuyên gia tham gia xây dựng dự thảo Nghị quyết.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo cho Thanh tra Sở chủ trì phối hợp Chi cục Kiểm lâm chủ động phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nuôi chim yến và hành vi bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển chim yến trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc kê khai cơ sở nuôi yến, đăng ký mã số cơ sở nuôi yến theo đúng quy định của pháp luật về chăn nuôi để phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là bệnh Cúm gia cầm và Newcastle; đề xuất, triển khai xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh với các bệnh Cúm gia cầm, Newcastle để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan sang đàn chim yến; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và chế biến các sản phẩm tổ yến tại địa phương.
Đồng thời, phối hợp với Chi cục Thú y vùng IV thực hiện việc giám sát dịch bệnh và giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở nuôi chim yến, các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và hướng dẫn Cục Thú y tại Văn bản số 84/TYDT ngày 17/01/2023 và Văn bản số 144/TY-DT ngày 31/01/2023.
Qua đó, đề xuất xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kiểm soát, quản lý nuôi chim yến, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến.