Vệ sinh an toàn thực phẩm: Cản trở lớn của chăn nuôi Việt Nam trong TPP

Tác giả: Ban Thời sự VTV1 | Đóng góp bởi: Han_Lam
04-12-2015 | Han_Lam | 915 | Báo hỏng
Theo dõi kênh
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Dương, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm sẽ là cản trở lớn của ngành chăn nuôi khi Việt Nam gia nhập TPP. Với trên 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ngành chăn nuôi được xem là lĩnh vực nhạy cảm và sẽ chịu nhiều tác động nhất khi Việt Nam mở cửa thị trường, tham gia Hiệp định TPP. Theo đó, bài toán để ngành chăn nuôi trụ vững trước sức ép cạnh tranh, giúp người nông dân không bị đẩy ra ngoài cuộc chơi trở thành thách thức khó đối với ngành nông nghiệp. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi được coi là ngành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chăn nuôi còn gặp hạn chế về kỹ thuật, giống, phương thức quản lý và lượng vốn xã hội đầu tư khiến ngành này luôn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Song song với đó, chăn nuôi còn phải đối mặt nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm do sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư kháng sinh và hooc-môn trong thực phẩm. Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết: “Sản phẩm của Việt Nam đang gặp vấn đề ở chất lượng và an toàn. Tôi cho rằng điều này còn nguy cơ hơn cả giá. Nếu chúng ta không thay đổi nhanh việc quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi để kiểm soát chất lượng và độ an toàn thì ngay cả thị trường trong Việt Nam cũng mất”. Đánh giá về thách thức của ngành chăn nuôi khi Việt Nam gia nhập TPP, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng ngành này sẽ được phân hóa khá mạnh so với hiện tại. "Chăn nuôi sẽ hình thành hai mô hình khác nhau. Một là chăn nuôi kiểu công nghiệp gồm các doanh nghiệp hoặc chuỗi gia đình hình thành mô hình chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ cao, khép kín để đạt chuẩn quốc tế. Thứ hai là mô hình nhỏ lẻ, gia đình. Tuy nhiên, dù mô hình nhỏ lẻ hay mô hình doanh nghiệp lớn cũng đều phải phát triển chung một hướng, đó là đặt trọng tâm vào những sản phẩm lợi thế, đồng thời nâng cao chất lượng giống, đa dạng hóa sản phẩm chế biến sẵn để đáp ứng nhu cầu của thị trường". Ngoài vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, câu chuyện phí và lệ phí trong chăn nuôi, thú y cũng rất được quan tâm. Câu chuyện một con gà cõng tới 14 loại phí và lệ phí đã cho thấy áp lực chi phí của ngành chăn nuôi rất lớn. Điều này tạo ra rào cản khiến đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi bị hạn chế, làm giảm sức cạnh tranh của ngành khi gia nhập TPP. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo ngành chăn nuôi rà soát tất cả các khoản phí và lệ phí, hướng tới bỏ những phí không hợp lý. Cụ thể là tổng số dòng phí trong lĩnh vực nông nghiệp đã giảm từ 750 xuống 160, số lệ phí giảm từ 91 xuống còn 5 loại phí. “Đề án liên quan tới phí và lệ phí đã được Bộ chỉnh sửa và trình Chính phủ. Chính phủ cũng đã trình Quốc hội. Đợt này sẽ có nhiều sự thay đổi, theo hướng giảm thiểu loại phí, mức phí và cơ cấu lại cách tổ chức. Đây cũng là một trong những hoạt động thuộc lộ trình cải cách hành chính trong ngành nông nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT nói thêm.
Bình luận