Ếch rêu Việt Nam

: Vietnamese Mossy Frog
: Theloderma corticale Boulenger, 1903
: Ếch cây sần Bắc Bộ
Phân loại
Theloderma corticaleBoulenger, 1903
Ảnh Ếch rêu Việt Nam
Đặc điểm sinh học

Dài thân con cái 70 - 75mm, con đực 60 - 70mm. Da sần sùi nổi hạt với những mảng màu xanh rêu xen lẫn nâu đất không có hình dáng cố định trông giống như một đám rêu. Đĩa ngón tay lớn. Con đực không có túi kêu. Ngón tay không màng hoặc chỉ có màng nhỏ giữa ngón 3 - 4. Ngón chân có màng hoàn toàn. Màng nhĩ nhỏ hơn đường kính mắt.

Ếch rêu
Ngón tay ếch rêu.

Phân bố

Ếch rêu là loài đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam. Trong nước phân bố ở Cao Bằng, Tuyên Quang (Na Hang), Lạng Sơn (Mẫu Sơn), Vĩnh Phúc (Tam Đảo).


Tập tính

Ếch rêu sống trong các hang đá vôi nhỏ dưới các thác nước hay trên các thành đá ven các suối hoàn toàn bị che phủ bởi tán rừng rậm ở độ cao 900 - 1600m. Loài này cũng tìm thấy trong các bể nước mưa ở tầng hầm các biệt thự cũ của Pháp còn sót lại trên Vườn quốc gia Tam Đảo.

Chúng có đặc điểm hình thái rất giống một đám rêu với màu xanh lục, các đốm đen, các gai như rêu bám trên đá. Có tập tính ẩn mình trong các vùng nước ngọt, trong các kẽ hở của những tảng đá bám rêu, chỉ có mắt lồi ra để quan sát xung quanh. Ếch rêu ngụy trang rất tốt, hầu như không thể phát hiện ra chúng trong nơi ẩn náu.

Ếch rêu
Tập tính ngụy trang của Ếch rêu.

Sinh sản

Thời gian sinh sản từ tháng 4 - 6. Ở loài này không thấy hiện tượng đa thê như ở loài Theloderma stellatum và Theloderma asperum. Trứng đẻ thành từng đám nhỏ 6 - 17 quả, có vỏ nhầy rất dầy dính chặt vào trần và vách ẩm của hốc đá. Số lượng trứng đẻ một lần đạt đến 60 quả chia thành 3 - 5 đám nhỏ riêng biệt. Dinh dưỡng của loài chưa được nghiên cứu.

Hiện trạng

Diện tích phân bố < 5000 km2, chỉ tồn tại ở 4 điểm (Cao Bằng, Tuyên Quang, Mẫu Sơn, Tam Đảo), bị chia cắt mạnh. Quần thể ở Mẫu Sơn đến nay vẫn chưa có thông tin gì thêm kể từ ghi nhận đầu tiên của loài trong những năm 1930.

Có giá trị khoa học và thẩm mỹ, là một trong những loài ếch lạ, đẹp. Đây là loài duy nhất thuộc giống Theloderma được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Cần có những biện pháp hữu hiệu và tích cực, cấm săn bắt và làm tổn hại đến môi trường sống của loài.

Tài liệu tham khảo

Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 268. (tham khảo tại website: http://www.vncreatures.net/)

Cập nhật ngày 15/11/2023
bởi Thảo
Xem thêm