Bào ngư bầu dục
Phân loại
Đặc điểm sinh học
Bào ngư bầu dục là động vật thân mềm chân bụng. Vỏ hình bầu dục, dài 72mm, dày và khá cứng. Mặt ngoài vỏ xù xì, thường hoen ố do các loài rong đá, tổ giun (Sedentary, Polychaeta), thân mềm (Dendropoma) bám. Mặt trong vỏ có gờ lồi lõm với lớp xà cừ óng ánh xanh.
Vị trí đỉnh vỏ cách xa mép ngoài vỏ. Mép trong miệng vỏ rộng và dày, gần bằng 25% chiều rộng vỏ. Thường có 5 lỗ mở hô hấp, dạng ống và nhô lên khỏi vỏ. Mặt ngoài vỏ màu đỏ nâu, mặt trong tầng xà cừ óng ánh màu hồng, lồi lõm.
Phân bố
Chúng sống ở vùng ven từ bờ, từ vùng triều cho tới vùng hạ triều, nơi có nước trong, nhiệt độ từ 24-30oC, độ mặn từ 30-35‰.
Trên thế giới, bào ngư bầu dục được tìm thấy ở Bắc Úc, Indonexia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.
Tại Việt Nam, chúng sống ở Nha Trang, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, các đảo Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo, Trường Sa.
Tập tính
Bào ngư ăn các loài thực vật biển và thải chất cặn bã ra ngoài qua các lỗ hở trên vỏ. Chúng sống bám trên các giá thể cứng để tìm các loại thức ăn như tảo khuê sống đáy và rong biển. Thức ăn của bào ngư hầu hết là tảo đa bào như: Sargasium, Glacilaria...
Sinh sản
Bào ngư bầu dục là loài phân tính đực và cái riêng biệt, không phát hiện cá thể lưỡng tính. Khi bào ngư thành thục sinh sục, quan sát từ bên ngoài cho thấy, tuyến sinh dục của cá thể đực có màu vàng kem, trong khi đó tuyến sinh dục cái có màu xanh đen sậm.
Mặt chân bụng bào ngư cái (A), đực (B) và mặt lưng của bào ngư (C). Ghi chú: dấy hiệu (->) cho thấy noãn sào của bào ngư cái có màu xanh đen và tinh sào của bào ngư đực có màu nâu.
Bào ngư đực thành thục sinh dục và sinh sản sớm hơn bào ngư cái, tuy nhiên cả hai nhóm đều tham gia sinh sản tập trung vào từ tháng 1-3 và vào tháng 8.
Trứng của bào ngư cái đạt kích thước lớn và đồng đều từ tháng 1-4 và tháng 8.
Hiện trạng
Cũng như các loại bào ngư khác, chúng là loài có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Trên thế giới có một số nước nuôi Bào Ngư bầu dục như Thái Lan, Indonexia,… Ở Việt Nam, bào ngư bầu dục được bắt đầu nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo từ năm 1995 ở Viện Hải dương học Nha Trang, nhưng kết quả còn rất hạn chế, Thử nghiệm nuôi thương phẩm đạt kích cỡ 40-50mm sau 9 tháng nuôi.
Tài liệu tham khảo
PGS-TS Nguyễn Chính (RIA III) at al. Danh mục các loài nuôi biển và nuôi nước lợ Việt Nam (2002)
Ngô ThịThu Thảo, Lê Quang Nhã, Lý Văn Khánh, Cao MỹÁn, Trần Ngọc Hải và Trần Đắc Định. Chu kỳ sinh sản của bào ngư bầu dục (Haliotis ovina Gmelin, 1791) phân bố tại đảo Nam Du, Kiên Giang. (2020)