Cá nhụ bốn râu
Phân loại
Đặc điểm sinh học
Thân dài, dẹt bên. Chiều dài thân bằng 3,7 – 4,4 lần chiều cao. Đầu ngắn mắt to có màng mỡ hình bầu dục rất phát triển. Lưng màu nâu xám vàng nhạt, bụng màu trắng xám. Có 04 râu.
Vây lưng 9; tia vây lưng mềm 13-15. Vây hậu môn 3; tia vây hậu môn mềm 14-16. Tua ngực 4; các màng vây có màu vàng sặc sỡ khi còn sống, ngoại trừ ở các mẫu vật lớn với chiều dài chuẩn lớn hơn khoảng 35 cm. Xương lá mía với các tấm răng sớm rụng ở cả hai phía, ngoại trừ ở cá non. Phần sau của hàm trên sâu, chiếm 3-4% chiều dài chuẩn. Phần mở rộng tấm răng ngắn vào mặt bên của hàm dưới, chiếm 7-9% chiều dài chuẩn.
Loài này có chiều dài tổng cộng trung bình khoảng 50 cm, mặc dù có những cá thể với chiều dài tổng cộng tới 200 cm và nặng tới 145 kg.
Phân bố
Cá nhụ bốn râu sống trong vùng đáy nông nhiều bùn với môi trường nước mặn hay nước lợ ven biển trong khu vực nhiệt đới với tọa độ khoảng 32° vĩ bắc - 26° vĩ nam, 47° kinh đông - 154° kinh đông, trong khu vực từ vịnh Ba Tư tới Papua New Guinea và bắc Australia.
Tập tính
Là loài rộng muối, sống được cả trong môi trường nước lợ, nước biển.
* Độ sâu từ 0,5m – 23m.
* Chất đáy là bùn, cát bùn và cát.
* Nơi sống: sông, vùng nước nông ven bờ, trong vùng đầm lầy có rừng ngập mặn.
Là loài cá dữ, thức ăn chính là các loài cá nhỏ, tôm và cua. Sinh trưởng rất nhanh trong các đầm nước lợ.
Sinh sản
Đây là loài cá lưỡng tính có yếu tố đực chín trước. Mùa sinh sản tập trung vào từ tháng 3 đến tháng 7.
Hiện trạng
Đã được nuôi ở Trung Quốc, Đài Loan, Philippines. Các kiểu nuôi chính: ao đất và lồng, các đầm nước lợ.
Tài liệu tham khảo
- http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1_nh%E1%BB%A5_b%E1%BB%91n_r%C3%A2u, 19/05/2012
- Nguyễn Văn Toàn, 2002. Danh mục các loài nuôi biển và nước lợ Việt Nam. SUMA