Kỹ thuật ương tôm càng xanh trong ao đất

Cập nhật 16/06/2013

1.Xây dựng cải tạo ao

a. Chọn vị trí

Trước tiên cần chọn vị trí sao cho bảo đảm thuận tiện việc cấp thoát nước ngọt quanh năm, gần nhà ở để bảo vệ. Chất đất tốt cho việc đắp bờ, độ pH ổn định  (>5, không bị phèn).

b. Xây dựng ao

Ao ương có diện tích 100 đến 1000m2, tốt nhất 300-600m2 có hình chữ nhật cân đối, độ sâu trung bình 0.8-1.2m, nền đáy bằng phẳng có độ dốc nghiêng về cống thoát, trước cống thoát có hố chứa tôm giống khi thu hoạch, có 2 cống cấp và thoát nước riêng biệt, chắc chắn, không bị rò rỉ.

c. Chuẩn bị ao

Là yêu cầu rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả được nuôi. Có 2 trường hợp chuẩn bị ao như sau:

Trường hợp ao mới

- Sau khi xây dựng ao xong, cho nước vào rửa ao 2-3 lần, khi xả hết nước lần cuối thì rải vôi khắp đáy ao và trên bờ- Số lượng vôi được sử dụng như sau:
* Đất bình thường (có pH: 6-7) dùng liều lượng 30-50kg/1.000m2
* Đất ít chua: (pH: 4,5-6) dùng 50-100kg/1.000m2
- Sau khi rải vôi, phơi ao khô từ 10-15 ngày, nếu có nắng liên tục thì càng tốt
- Sau đó cấp nước vào ao qua lưới lọc, bón phân gây màu nước, chuẩn bị thả tôm.

Trường hợp ao cũ

Sau mỗi vụ nuôi đáy ao thường dơ bẩn nên công việc cải tạo ao phải được tiến hành ngay sau khi thu hoạch. Quá trình cải tạo ao bao gồm các bước sau:
- Vệ sinh ao bằng cách tháo cạn nước trong ao, nạo vét, chuyển toàn bộ lớp bùn dơ bẩn của vụ nuôi trước ra khỏi đáy ao
- Cày xới mặt đất đáy ao để đáy ao tiếp xúc trực tiếp với không khí làm phân hủy các chất hữu cơ một cách triệt để. San bằng mặt đáy ao cho bằng phẳng. Tạo độ dốc hướng về cống thoát. Tu sửa bờ cống thật hoàn chỉnh
- Bón vôi: Dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) hoặc vôi tôi (CaO) với liều lượng:
· 50-70kg/1.000m2 nếu đất có pH >6
· 70-150kg/1.000m2 nếu đất có pH <6
Sau khi bón vôi phơi đáy ao ít nhất 10-15 ngày


d. Diệt tạp

Lấy nước vào ao qua lưới lọc, đến mức 5-10cm. Dùng Saponin, liều lượng 30kg/1.000m2 , ngâm trong nước ngọt 8-10 giờ, lấy nước tạt đều khắp mặt đáy ao lúc nắng tốt (8-10 giờ sáng). Sau 1 ngày xả cạn nước, làm vệ sinh, lượm xác sinh vật chết đưa ra khỏi ao (nếu có).

e. Bón phân gây màu nước

Lấy nước vào ao qua lưới lọc đến độ sâu 70-80cm. Dùng phân NPK liều lượng 1-2kg/1.000m2 hòa tan trong nưóc ngọt rồi tạt đều khắp ao. Ngày hôm sau, bón bổ sung 2kg cám + 2kg bột cá /1.000m2 (đã ngâm trong nước). Ngoài ra có thể dùng phân chuồng hoai 50-100kg/1.000m2. Thường sau khi bón phân 4-5 ngày nước trong ao sẽ lên màu xanh lục, đạt độ trong 40-50cm là có thể thả giống vào nuôi.

Trong quá trình nuôi tiếp tục cấp thêm nước để đạt độ sâu quy định 1-1,2m

2. Vận chuyển và mật độ ương

- Tôm bột được vận chuyển bằng bao nylon có bơm oxy. Nước từ 10-15lít cho mổi bao. Mật độ từ 3.000-5.000 con/bao. Thời gian vận chuyển 8-10 giờ. Quá 10 giờ nên thay nước mới, bơm lại oxy. Khi vận chuyển nên giữ nhiệt độ 22 – 25oC.
- Thả giống xuống ao vào sáng sớm (5-9  giờ) hoặc chiều mát (16-18 giờ) tránh ánh sáng chói tôm sẽ nhảy mạnh. Khi thả nên cách xa bờ và có thời gian cân bằng với môi trường ao mới: Ngâm bao Nylon vào ao ương thời gian 15-20 phút cho cân bằng nhiệt độ, sau đó mở bao cho nước từ ao ương vào từ từ và cuối cùng thì mới cho tôm ra ao.

- Mật độ ương trong ao từ 100-300con/m2. Mật độ ương càng cao thời gian ương càng rút ngắn lại. Thông thường 200 con/m2, sau 1- 1.5 tháng ương cho kích thước trung bình 3-5cm /con.

3.Thức ăn và cho ăn

Dùng thức ăn tổng hợp viên có thành phần dinh dưởng như sau:
- Đạm: 30-35%  Béo: 5-8%
- Canxi: 2-3%  Phospho: 3-5%
- Xơ: 3-5%

Có thể tham khảo bảng công thức tổng hợp thức ăn như sau:

BẢNG CÔNG THỨC CHẾ BIẾN THỨC ĂN TÔM

Nguyên liệu Số lượng (%)
Cá tạp 30
Cám gạo 20
Tấm 20
Bánh dầu 20
Bột mì 10
Tổng cộng 100

Dùng các nguyên liệu trên xay nhuyễn trộn đều, hấp chín và rây để hạt thức ăn phù hợp với kích thước của tôm con.

Ghi chú: Ngoài các thành phần cơ bản trên, có thể cho thêm một số khoáng chất, vitamin... vào thức ăn.

- Có thể sử dụng thức ăn viên công nghiệp dùng cho ương postlavae tôm sú hoặc thức ăn công nghiệp dành riêng cho tôm càng xanh, liều lượng dùng 10-15% trọng lượng tôm/ngày

- Nên chế biến thức ăn từ cá biển sẽ rẻ và tôm thích ăn hơn.

* Cách chế biến thức ăn từ cá biển:

+ Chọn mua cá ít mỡ, nhiều thịt, còn tươi
+ Bỏ đầu, vi, vẩy, nội tạng
+ Hấp chín cá
+ Tách bỏ xương cá, chỉ lấy phần thịt cá, tán nhuyễn
+ Rang khô cá( đến khi thịt cá khô, xốp, rời)
+ Cho vào túi nilon hoặc lọ, hủ đậy kín để bảo quản từ 3-5 ngày cho tôm ăn dần

Có thể trộn với thịt cá đã hấp chín một lượng bột mì, đậu xanh, trứng gà, chất khoáng …, dùng máy xay trộn kỹ rồi hấp chín, sau đó dùng rây có kích thước 1-2,0 mm để rây cho tôm post ăn

Thức ăn chế biến dạng này tôm rất thích ăn do có lượng dinh dưỡng cao và thơm, lượng dùng 10-20 % trọng lượng tôm/ngày

- Cho ăn: Nên cho ăn nhiều lần trong ngày: 6h,10h,14h,18h,20h.

BẢNG TÍNH KHẨU PHẦN THỨC ĂN TÔM

Ngày tuổi Trọng lượng thân (g/con) Thức ăn viên (%) Thức ăn tươi (%)

Kích thước hạt thức ăn

Pl+10 ngày 0.05-0.25 50 200 1mm
+10ngày 0.25-0.5 40 150 1mm
+10ngày 0.5-1 30 100 1.5mm
+10ngày 1-1.5 20 70 1.5mm
+10ngày 1.5-2 15 60 2.0mm
+10ngày 2-2.5 10 50 2.0mm

Hàng ngày cho ăn 4-5  lần, rải đều trong ao giữ 10% cho vào sàn để kiểm tra

4. Chăm sóc và quản lý ao ương

- Duy trì mực nước ao 0.8-1m, kiểm tra các thông số môi trường như: Oxy, pH, độ kiềm, độ trong, màu nước....
- Thay nước thường xuyên (nếu có thể)
- Chống rò rỉ nước do hang mọi và địch hại: Cá dữ, cóc nhái, cua…

5. Thu hoạch

- Chuẩn bị công cụ và bể chứa trữ, có thể dùng xô, chậu có sục khí, hoặc căng giai ở những ao nước sạch (kiểm tra kỹ lưới giai)

- Nên thu vào lúc sáng sớm tránh nắng gắt, nhiệt độ cao

- Xả nước từ từ, lấy tôm giống ra khỏi lưới thu với khoảng thời gian từ 15-20 phút, tránh để tôm đọng trong lưới nhiều và lâu

- Tôm giống không chạy ra lưới sẽ còn lại ở hố ga trước cổng xả thì dùng vợt thu dần

- Kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm trước khi thả nuôi hoặc bán

Tài liệu tham khảo
Thẻ