Kỹ thuật nuôi cua đinh sinh sản

TTKNQG
Cập nhật 22/08/2017

Sinh sản cua đinh phức tạp và khó hơn ba ba rất nhiều vì tuy cùng họ nhưng đặc tính, sự sinh trưởng của chúng là khác nhau.

1. Thiết kế bể nuôi

- Chọn nơi yên tĩnh, kín đáo có nguồn nước sạch và thoát nước dễ dàng.

- Bể nuôi diện tích 6 – 8m2, cao 1,5m. Dưới đáy bể trải lớp đất dày 0,3m, mực nước 0,8m.

- Bể đẻ diện tích 1m2, dưới đáy trải lớp cát dày 0,3m.

2. Chọn giống

- Cua đinh sinh sản được nuôi theo bộ (1 con đực + 3 đến 4 con cái).

- Khi thu hoạch chọn những con to khỏe, tốt nhất có trọng lượng trên 2,5kg để nuôi thành cua sinh sản.

- Chọn cua đinh bố mẹ:  con đực thường có phần đuôi thon dài hơn con cái; con đực thường lớn nhanh lấn lướt con cái nên chọn con đực nhỏ hơn hoặc bằng con cái.

3. Kỹ thuật chăm sóc

- Cua đinh sinh sản từ tháng 11 – 7, đẻ từ 2 – 4 lứa (mổi lứa từ 8 – 30 trứng tuỳ trọng lượng)

+ Giai đoạn I: (từ lúc thả vào bể đến tháng 7) vẫn cho ăn bình thường cho cua đinh tiếp tục tăng trưởng.

+ Giai đoạn II: (từ tháng 8 – 11) giai đoạn này cua đinh tạo toàn bộ lượng trứng đẻ trong năm nên rất quan trọng, nó quyết định số lượng trứng cũng như chất lượng con giống khi nở ra. Cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, đặt biệt thức ăn có nhiều đạm.

+ Giai đoạn III: (từ tháng 11 – 7) cua đinh đẻ trứng cần nhiều canxi tạo vỏ nên cần cho cua đinh  ăn thêm cua, ốc…

- Ngoài ra, có thể nuôi ghép vài con đực và nhiều con cái để giảm chi phí xây dựng ao nuôi nếu có diện tích ao nuôi rộng (1con/ 2 – 3m2)

4. Kỹ thuật ấp trứng

Cần chú ý những kỹ thuật sau để nâng cao tỷ lệ trứng nở:

+ Chọn nơi ấp: Chọn nơi thoáng mát nhiệt độ 25 – 32oC, nên có nắp lưới tránh mèo, chim, chuột... gây hại. Có thể ấp trong phòng, thau, chậu... tuỳ số lượng.

+ Thu gom trứng: Trứng đẻ 2 ngày là có thể gom vào ấp, dùng thau có trải lớp cát bên dưới, đặt trứng nhẹ nhàng vào thau cát, không đảo ngược trứng hay chuyển động mạnh.

+ Tuyển chọn trứng: Chọn trứng được thụ tinh (có phần trắng đục ở trên và phần trắng trong bên dưới), trứng tròn vỏ dày đều đặn.

+ Đưa vào ấp: Nơi ấp được trải lớp cát 5 cm, đặt trứng lên lớp cát, mỗi trứng cách nhau 1 cm, phần túi khí (trắng đục) hướng lên trên, rồi trải lên lớp đất khô băm nhỏ (sàng bớt đất bột) dày 3 – 5 cm, sau đó phun xịt nước vào (vò không dính tay) là được.

+ Quản lý chăm sóc: Thường xuyên theo dõi khi lớp đất khô thì phun nước vào (nên 1tuần/lần). Nếu nhiệt độ quá nóng (cao hơn 32 độ C) hay quá lạnh (thấp hơn 25 độ C) phải có biện pháp điều chỉnh thích hợp. Thời gian ấp kéo dài từ 100 – 105 ngày. Khi trứng sắp nở đặt vào nơi ấp thau nước để cua đinh nở ra bò vào không bị khô chết. Nếu ấp tốt tỉ lệ nở đạt 90%.

5. Kỹ thuật ương cua đinh giống

- Cua đinh mới nở cho vào thau, chậu mực nước 5 cm, ngày hôm sau là cho ăn, thức ăn có thể là trùng chỉ, tép, cá mè luộc… Ngày cho ăn 2 lần. Sau 1 tuần  có thể thả vào bể ương.

- Bể ương phải đặt nơi có nắng, diện tích thích hợp 10 – 20 m2, mật độ từ 10 – 20 con/m2, dưới đáy có lớp đất, nên thiết kế nửa cạn (mực nước 15 cm) nửa sâu (mực nước 40 – 50 cm), cũng có thể ngăn 1 góc ao nuôi để ương. Thả lục bình làm nơi trú và để cho cua đinh trèo lên phơi nắng. Nên thay nước thường xuyên.

- Thức ăn cho cua đinh là trùng, các loai cá, tép...; tốt nhất nên xay hỗn hợp các loại trên cho ăn ngày 2 lần.

- Thời gian nuôi từ 3 – 5 tháng cua đinh đạt từ 100 – 350g là có thể thả vào ao nuôi. Nếu làm tốt tỉ lệ sống đạt trên 95%.

Tài liệu tham khảo

http://www.khuyennongvn.gov.vn/vi-VN/ky-thuat-thuy-san/ky-thuat-nuoi-cua-dinh-sinh-san_t114c104n15882

Thẻ