Quản lý ao nuôi cua vào mùa hè

Nguyễn Thị Thanh Trang – Trung tâm Giống thủy sản
Cập nhật 06/04/2012

Mùa hè là mùa làm cua dễ bị bệnh. Bởi nhiệt độ tăng cao, thời tiết nắng nóng kéo dài. Để đảm bảo hiệu quả kinh tế trong ao nuôi cua thì việc quản lý ao nuôi là đặc biệt quan trọng.

1. Quản lý môi trường ao nuôi cua:

Nhiệt độ nước phù hợp cho sự phát triển của cua dao động từ 28 – 300C. Vào mùa hè nhiệt độ nước ao nuôi thường vượt quá 330C, ảnh hưởng đến sức khỏe cua nuôi. Khi nhiệt độ nước tăng cao, chất lượng nước trong ao dễ bị xấu đi, làm cua bò lên khỏi mặt nước. Để khắc phục nhiệt độ nước tăng cao nên duy trì độ sâu của nước ở mức 1,5m.  Thường xuyên thay nước cho ao nuôi cua. Nên thay nước vào buổi chiều tối là thích hợp, không nên thay nước vào buổi trưa. Với những ao có diện tích lớn cần đào những rãnh sâu xung quanh ao để làm chỗ trú ẩn, hay với những ao có diện tích nhỏ cũng có thể trồng cây đước hay dùng lá dừa để che mát quanh bờ ao cho cua .

Độ pH của nước tăng cao hay xuống thấp, không những ảnh hưởng đến sức khỏe cua nuôi mà còn gây chết khu hệ thủy sinh trong ao, gây tảo tàn, tác động xấu đến môi trường nước. pH nước biến động còn ảnh hưởng đến tính độc của các loại khí NH3 và H2S lên đời sống của cua. Do đó, cần duy trì độ pH nước ở mức 7,5 – 8,5.

2. Quản lý thức ăn:

Cua có tập tính ăn tạp, đa phần là ăn thức ăn động vật (như cá tạp nhỏ, tôm, sò, ốc…). Cần xác định lượng thức ăn hợp lý để giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi thông qua việc giảm lượng thức ăn dư thừa, thức ăn bị phân giải ngoài môi trường nước ao, và giảm chi phí nuôi cua.

Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 4 – 6 % trọng lượng cua, cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối. Mỗi ngày cho cua ăn 1 lần vào thời gian từ 17 – 19h.

3. Quản lý mật độ cua nuôi:

Ao nuôi cua với mật độ cao dễ phát sinh nhiều bệnh tật, nên cần theo dõi thường xuyên để có biện pháp ngăn chặn là chính. Trong kỹ thuật nuôi cua hiện nay, cua được nuôi với mật độ nhỏ hơn 1 con/m2. Khi thấy cua nuôi có những dấu hiệu bất thường như: không ăn hay giảm ăn, kém hoạt động, trên mai xuất hiện đốm trắng, hay ngoi lên bờ… là những dấu hiệu của bệnh. Cần có biện pháp cải thiện môi trường kịp thời để giảm tỷ lệ cua chết, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong nuôi cua.

Tài liệu tham khảo
Thẻ