Quy trình kỹ thuật nuôi xen ghép Cua – cá Đối

Nguyễn Thị Thu Giang
Cập nhật 11/04/2018

Nuôi xen ghép các đối tượng trong ao nước lợ là hình thức nuôi khá phổ biến trên vùng đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế. Mô hình đã tạo sự cân bằng sinh thái, hạn chế sự ô nhiễm trong quá trình nuôi, giảm dịch bệnh, tăng sản lượng thu hoạch, đã góp phần phát triển nghề nuôi thủy sản nước lợ theo hướng ổn định và bền vững. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi xen ghép, sau đây là một số lưu ý kỹ thuật để áp dụng thành công quy trình nuôi xen ghép Cua – cá Đối.

nuôi cua, nuôi cá đối nục, nuôi cua kết hợp cá đối nục

1. Chọn địa điểm: vùng nuôi không bị ảnh hưởng lũ lụt. Chất đáy là cát bùn, hoặc bùn cát, có nguồn nước chủ động. Hệ thống giao thông đi lại thuận tiện trong việc chăm sóc và vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch .

2. Chuẩn bị ao nuôi:

- Ao có diện tích từ 2.000 – 5.000 m2, có cống cấp và thoát nước thuận tiện, bờ ao chắc chắn không bị rò rỉ.

- Cải tạo ao nuôi: Ao được hút cạn, vét bùn đáy( chỉ để lớp bùn khoản 10-15cm), tu sủa bờ ao. Bón vôi 7-10 kg/100 m2 ao, phơi đáy ao 3-5 ngày.

- Bón phân chuồng ủ hoai, liều lượng từ 30-40 kg/1.000 m2 ao để tạo nguồn thức ăn tự nhiên.

- Cấp nước: Cấp nước vào ao qua lưới lọc nhằm hạn chế cá tạp, cá dữ vào ao, mức nước ban đầu 0,6 m, sau đó nâng lên 1,2 m sau khi thả rong và màu nước đạt yêu cầu.

- Gây màu nước: sử dụng phân NPK và  phân đạm(Urê) theo tỉ lệ 1:1, cụ thể 2-3 kg/1.000 m2 ao. Ngâm Phân NPK  vào nước ngọt trong thời gian 4-6 giờ, phân Urê hòa tan với nước té điều khắp ao. Chú ý không nên trộn lẫn hai loại phân trên với nhau nhằm tránh mất tác dụng của phân khi sử dụng.

- Thả rong câu (hoặc bố trí các bó chà, gốc cây khô) khắp đáy ao để làm nơi trú ẩn cho cua.

- Kiểm tra các yếu tố môi trường như: pH đạt 7,5 – 8,5, độ mặn từ 10- 20 %o và màu nước ao có màu xanh lá chuối non thì tiến hành thả giống.

3. Chọn giống và thả giống:

* Thả cá Đối mục:

- Nguồn cá giống: chọn mua ở các cơ sở có uy tín.

- Chọn giống: màu sắc sáng, xanh ô liu, không bị xay sát, mất nhớt không bị nhiễm bệnh, kích cở đồng điều.

* Thả giống cua:

- Cua khay chọn mua ở các cơ sở có uy tín

- Chọn giống: màu sắc sáng tự nhiên, kích cở đồng đều, đầy đủ các phần phụ, hoạt động linh hoạt và không có dấu hiệu bệnh.

- Thả giống: Mật độ:  Cá đối  0,5 - 1con/m2; cua khay 1- 1,5 con/m2, thời gian thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát.

*Đối với giống cua khay có thể thả thẳng vào ao nuôi, bà con nên thả giống Cua Khay trước giống cá Đối 10 ngày.

*Để nâng cao tỉ lệ sống và thuận lợi cho việc chăm sóc, bà con nên ươm cua đạt kích cở từ 80 – 100 con/kg rồi thả vào ao nuôi.

4. Chăm sóc quản lý:

- Cho ăn: Thức ăn cho Cá đối: Sử dụng thức ăn viên nổi công nghiệp dành cho cá ( thức ăn có độ đạm 25 -30%), ngoài ra bổ sung thêm phân chuồng ủ hoai và cám gạo, bột bắp, bánh dầu phụng để cho cá ăn.

Thức ăn của cua là thức ăn công nghiệp của tôm, có độ đạm >30%,

Trong 2 tháng nuôi đầu cho ăn với tỉ lệ cho ăn từ 5-10% trọng lượng cá, cua trong ao; tháng nuôi thứ 3 đến thu hoạch cho ăn theo tỉ lệ 2-3% tổng trọng lượng.

Cho cá đối ăn 2-3 lần/ngày vào lúc 6-7h, 10h và 17- 18 h, lượng thức ăn ban ngày nhiều hơn buổi chiều tối. Tùy theo kích cở của cá để sử dụng cở thức ăn phù hợp với miệng cá.

Khi cho cá Đối ăn cần vãi thức ăn vào trong khung lưới để tập cho cá ăn tập trung và quản lý thức ăn tốt hơn. Ao nuôi bố trí 1-2 khung lưới ở giữa ao, kích thước 200 – 300 m2,

Đối với cua cho ăn ngày 2 lần vào buổi sáng từ 6-7h và chiều tối 17-18h, lượng thức ăn buổi chiều tối chiểm 2/3 lượng thức ăn trong ngày.

-       Quản lý ao nuôi: Hàng tuần bón bổ sung thêm phân chuồng ủ hoai hoặc phân NPK để bổ sung  tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi.

+ Ao nuôi được rào lưới xunh quanh, ở phía trong bờ ao, cao 1,5m để hạn chế cua bò ra bên ngoài và ngăn cá đối nhảy ra ngoài ao sau mỗi lần cấp nước.

+ Định kỳ (7 – 10 ngày) thay nước hoặc cấp nước thêm cho ao, lượng nước thay 20 – 30%. Bổ sung Vitamin C 5g/kg thức ăn, cho cá ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá, cua.

+ Định kỳ 7-10 ngày đánh chế phẩm sinh học cho ao nuôi để ổn định các yếu tố môi trường và phòng bệnh cho cua, cá nuôi.

+ Định kỳ 10-15 ngày(sau khi cấp hoặc thay nước)  bón vôi 10-20 kg/1.000m2

+ Định kỳ 15 ngày kiểm tra trọng lượng cua, cá nuôi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

- Mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu 1,2 – 1,5m, độ trong 30 – 40cm

5. Thu hoạch

Sau 4 tháng nuôi (cua khay), dùng Lừ thu tĩa những cá thể cua đạt trọng lượng 4-5 con/kg. Đối với cá Đối tiếp tục nuôi thêm 2 tháng sau đó thu tĩa các cá thể đạt trong lượng 2-3 con/kg.

Khi thu hoạch cá Đối cần chuyển ngay vào thùng nước đá lạnh đã chuẩn bị sẵn nhằm hạn chế cá bị đốm đỏ dọc thân giống như cá bị bệnh sẽ bán không được giá.

Tài liệu tham khảo

Trung tâm Khuyến Nông Tỉnh Thừa Thiên Huế

Thẻ