Cua đôi là cách gọi của người dân địa phương đối với giống cua biển có tập tính sinh sống đặc biệt, thường đi thành cặp, 1 đực 1 cái. Cua đôi về ngoại hình không khác nhiều so với các loại cua biển, cua gạch, cua thịt… ở vùng rừng ngập mặn này. Điểm phân biệt dễ dàng nhất là cua đôi thường “dính” với nhau thành cặp. Con cái thường nhỏ hơn con đực và có yếm màu đen. Cua cái chỉ nặng khoảng 3-4 lạng trong khi con đực nặng khoảng 6-8 lạng. Cua đôi sống trong các hang sâu hoặc lỗ dưới chân gốc sú vẹt. Ngư dân đi biển thường lần theo vết chân cua để lại khi đi ra khỏi hang kiếm ăn, để mò ra hang cua. Vì thế khi tìm được hang, ngư dân thường bắt được cả đôi.
Theo chị Nguyễn Thị Chi, người dân bản địa, chủ nhà bè ở thôn Trung (xã Đồng Rui, Tiên Yên) chia sẻ: “Cua đôi ngon nhất là cua được đánh bắt vào giai đoạn tháng 3 - tháng 4 (âm lịch). Đây là thời điểm cua cái đi tìm lỗ trú ẩn, lột vỏ. Cua đực đi theo để ủ, bảo vệ con cái… Sau khi lột vỏ xong, cua cái trưởng thành, chuẩn bị bước vào giai đoạn sinh sản. Vì thế, giai đoạn này cua thường rất chắc, thịt thơm ngọt và có giá trị dinh dưỡng cao.
Cua đôi có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon phổ biến như: Cua rang me, cua hấp… Nhưng có lẽ độc đáo hơn cả là cua nấu canh thuốc bắc theo cách nấu dân dã của người dân địa phương. Nguyên liệu cần thiết cho món ăn độc đáo này gồm các vị thuốc bắc như: Thục, kỳ tử thêm gia vị hành khô, cua đôi rửa sạch chặt miếng... Các nguyên liệu trên được đưa vào xào, nêm gia vị vừa ăn, đảo kỹ cho ngấm rồi đổ nước vào đun với cua trong khoảng 10 phút cho tới khi chín. Cua đôi ăn nóng để thưởng thức vị thơm ngọt của cua biển với vị mát lành của thuốc bắc. Đây là món ăn thơm ngon, dễ ăn, bổ dưỡng cho sức khoẻ.
Đồng Rui vốn là vùng rừng ngập mặn rộng lớn, tới nay còn giữ gìn được môi trường biển trong sạch. Đây cũng là khu vực giao lưu với các cửa sông suối, nơi đổ ra biển, mang theo nguồn thức ăn, phù du phong phú, là môi trường sống lý tưởng cho các loại thuỷ hải sản phát triển, đặc biệt là giống cua đôi.