Giấu “ngư cụ” rất tinh vi
Theo chân đoàn thanh tra chuyên ngành dọc theo các tuyến kinh rạch nhỏ đến các sông lớn, không khó để bắt gặp người dân sử dụng điện đánh bắt cá. Anh N.V.B. “hành nghề” đánh bắt cá biện minh: “Biết là phạm pháp, nhưng phải mưu sinh nuôi cả gia đình nên không thể bỏ được. Tôi cũng biết đây là hình thức đánh bắt tận diệt nhưng dùng chài lưới thì mất thời gian mà hiệu quả không cao”.
Phía sau ghe cào, anh B. mắc lưới rất nhỏ. Dinamo phát điện 220V được cất giấu dưới khoang rất tinh vi, được dẫn truyền xuống lưới cào, giăng rộng, sâu dưới sông khoảng 10m.
Với nguồn điện trên, trong vòng bán kính khoảng 1,5- 2m, cá lớn bé đều bị tê liệt chui vào lưới. Anh B. cũng thừa nhận, so với mấy năm trước thì giờ lượng cá, tôm giảm hẳn.
Vì cuộc sống hàng ngày nên phải rong ruổi khắp nơi, từ sông lớn đến kinh rạch nhỏ cào điện, hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Ở khu vực sông Hậu, các đối tượng đánh bắt còn trang bị nhiều thuyền máy có công suất lớn. Xung điện các ghe dùng loại 75- 150A (ampe), hiệu điện thế 120V, thậm chí 220V; cài thêm đầu phóng có độ giật rất mạnh. Khi kích, chúng tác động sâu 3- 4m.
Bất cứ con vật gì trong phạm vi đó đều bị tê liệt đến chết.
Còn tại các vùng nông thôn, kinh rạch nội đồng nhỏ không sử dụng được ghe cào, nhiều người dùng xiệc điện để đánh bắt cá.
Dụng cụ của anh N.V.T. (Tam Bình) khá đơn giản, gồm một ắc quy 12V, bộ kích điện và 2 dây dẫn tự chế. Loại “ngư cụ” này người sử dụng chỉ cần khoác bình điện trên vai, nối dây dẫn nguồn điện xuống 2 mũi chích bằng kim loại nhọn, sau đó nhúng xuống nước là tôm cá “cứng đơ” và cứ thế mà lượm…
Anh T. cho biết, loại này nước nội đồng xuống thấp thì “chích” cá sẽ hiệu quả hơn. Để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng, chủ yếu họ sử dụng hình thức đánh bắt này vào ban đêm và ngụy trang rất tinh vi.
“Xử” mạnh tay
Một trường hợp sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản bị ngành chức năng phát hiện
Việc sử dụng kích điện đánh bắt cá đã khiến nguồn lợi thủy sản đứng trước nguy cơ bị tận diệt, ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái.
Một người đánh bắt bằng xung điện nói thật: “Để bắt được một con cá bằng xung điện thì sẽ có hàng chục loài khác bị chết oan”. Tuy nhiên, chỉ vì cái lợi trước mắt mà nhiều người ngang nhiên tận diệt thủy sản, bất chấp những hậu quả về môi trường, cũng như tính mạng.
Ông Tạ Văn Thảo- Chi cục phó Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết, thời gian qua, chi cục phối hợp với ngành liên quan tổ chức rất nhiều đợt thanh- kiểm tra trên các tuyến kinh rạch và phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp, nhưng tình trạng khai thác trái phép chưa cải thiện.
“Khó khăn nhất là tại các địa bàn giáp ranh, các đối tượng thường lợi dụng “chạy qua chạy lại” nên không thể đuổi bắt xử phạt”- ông Thảo cho biết.
Đầu tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 18 về tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp- PTNT tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân; tăng cường chỉ đạo thanh- kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức các quy chế phối hợp với các tỉnh bạn…
Đồng thời, quản lý quy hoạch thủy sản và tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định các vùng cấm và hạn chế khai thác, ngư cụ và nghề cấm khai thác phù hợp điều kiện thực tế.
Qua ghi nhận, đa số người dân sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản đều là hộ nghèo và cận nghèo, không đất sản xuất, không nghề nghiệp mưu sinh nên trong xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, bên cạnh xử phạt, ông Tạ Văn Thảo cho biết, thời gian qua, chi cục thường xuyên kiến nghị, phối hợp một số ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, song nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn.
Vì thế, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các ngành chức năng; bên cạnh xử lý mạnh tay cũng đẩy mạnh tuyên truyền để những người đánh bắt tận diệt từ bỏ nghề, hoặc chuyển hình thức đánh bắt, góp phần duy trì bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và mai sau.
Chi cục Thủy sản Vĩnh Long đã chủ động ký kết quy chế phối hợp với các tỉnh, thành có hệ thống sông ngòi giáp ranh là Bến Tre, Tiền Giang, TP Cần Thơ tăng cường thanh- kiểm tra việc khai thác trái phép. Theo đó, đối tượng khai thác thủy sản phạm pháp có hành vi chống đối, thanh tra chuyên ngành các địa phương có quyền truy đuổi mà không giới hạn địa lý hành chính, đồng thời thông báo để phối hợp hỗ trợ thực hiện. Các tỉnh thành đều thống nhất cao, thể hiện sự quyết liệt xử lý kiểu khai thác tận diệt này.
Một hình thức xung điện “biến tấu” để qua mặt lực lượng chức năng là sử dụng kích điện bằng vợt có gắn điện, nhìn qua thì khó phát hiện, bởi chỉ khi để xuống nước nó mới phát sáng còn khi đưa lên khô thì chẳng khác gì một cây vợt cá bình thường.