Chi phí tăng cao
Trở về sau chuyến đánh bắt hơn 10 ngày trên biển, ngư dân Nguyễn Thanh Bình (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang), chủ tàu TTH 97127 TS, công suất gần 1.000 CV tỏ ra lo lắng khi sản lượng đánh bắt không nhiều, chỉ đủ chi phí nhiên liệu và các nhu yếu phẩm.
“Nhiều tàu ĐBXB đang gặp khó khăn. Sản lượng khai thác thấp hơn so với đầu vụ. Giá cá lại thấp nên thu nhập giảm sút, chỉ đủ chi phí xăng dầu, đá, và các nhu yếu phẩm khác”, ông Bình trải lòng.
Theo ngư dân, một chuyến biển, mỗi tàu chuẩn bị 3.000 – 4.000 lít dầu, vài nghìn cây đá và chi phí cho nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt trên tàu, trong đó, tiền nhiên liệu chiếm hơn một nửa. Thời gian gần đây, xăng dầu liên tục tăng giá, đến ngày 17/5 mới giảm giá nhưng vẫn ở mức cao khiến chi phí mỗi chuyến đánh bắt tăng thêm.
“Với giá dầu hơn 17.000 đồng/lít như hiện nay, riêng chi phí nhiên liệu mỗi chuyến biển mất hơn 70 triệu đồng. Nhiều tàu cá sau mỗi chuyến biển chỉ thu về khoảng vài chục triệu đồng, chỉ đủ trả tiền đá, còn tiền nhiên liệu phải ký sổ nợ, chờ chuyến biển kế tiếp”, ông Bình chia sẻ.
Vụ cá Nam này, ngư dân trên địa bàn chủ yếu đánh bắt cá nục các loại. Hiện, giá cá sụt giảm. Bên cạnh đó, việc xăng dầu giá cao khiến giá các loại nhu yếu phẩm khác trở nên đắt đỏ, chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng đến thu nhập. Tại một số địa phương, lao động nghề cá đang giảm dần do thu nhập giảm, khó khăn cho các tàu cá vươn khơi do thiếu lao động.
Ngoài khó khăn trên, theo ông Nguyễn Thanh Tại (huyện Phú Vang) gần đây, giá cá liên tục biến động. Nếu như trước đây, cá nục dọng có giá 15-17 nghìn đồng/kg, nay chỉ còn 9-10 nghìn đồng/kg.
“Gần đây giá cá xuống rất thấp. Dù sản lượng khai thác không quá thấp nhưng việc cá rớt giá khiến thu nhập ngư dân không được là bao. Riêng tàu tui, mỗi năm Nhà nước hỗ trợ xăng dầu khoảng 400 triệu đồng, tương đương chi phí 4 chuyến đánh bắt, hiện nay, giá nhiên liệu cao, tui phải bù, sau chuyến biển vừa rồi chỉ đủ tiền dầu”, ông Tại nói.
Động viên nhau vươn khơi
Trước sự biến động của thị trường cũng như sản lượng khai thác, nhiều tàu cá đang lưỡng lự trong việc vươn khơi. Một số tàu cá nằm bờ do trở về sau các chuyến biển liên tục thua lỗ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập chủ tàu, bạn tàu mà còn khiến nhiều lao động trẻ tuổi không mặn mà với nghề ông cha để lại.
“Người đi biển bây giờ chủ yếu có tuổi đời từ 40-50, đó là những ngư dân đã có kinh nghiệm đánh bắt, còn số lao động trẻ hơn có tỷ lệ giảm dần”, ông Tại bộc bạch.
Ngư dân ở các vùng biển đang động viên nhau vươn khơi. Những tổ đội liên kết, câu lạc bộ ngư dân đang đốc thúc, hỗ trợ lẫn nhau để bám biển.
Anh Trần Văn Cường, Chủ nhiệm CLB Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển thị trấn Thuận An chia sẻ: “Đã là ngư dân phải chấp nhận lúc được mùa, lúc mất mùa. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các thành viên trong CLB chỉ biết động viên nhau cùng vươn khơi. Trên biển, nếu tàu nào thiếu nhiên liệu, đá cấp đông sẽ có tàu khác cung cấp; khi gặp tai nạn trên biển, cùng nhau hỗ trợ”.
Hiện nay, ở hầu hết các địa phương có tàu hậu cần, ĐBXB đều thành lập các tổ đội liên kết sản xuất, chi hội nghề cá tương trợ lẫn nhau để hợp tác khai thác, nâng qua hiệu quả đánh bắt.
Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) cho biết, tại địa phương, ngoài CLB ngư dân trẻ vươn khơi bám biển còn hình thành các chi hội nghề cá. Các tàu khai thác cũng như hậu cần nghề cá hầu hết có công suất cao, từ 450 – 1.000 CV trang bị máy móc, thiết bị hiện đại. Ngay trên biển, ngư dân chủ động khai thác, đồng thời nếu gặp khó khăn, sự cố có thể liên lạc để hỗ trợ lẫn nhau.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho rằng, trong thời điểm khó khăn, các mô hình tổ đoàn kết sản xuất, chi hội nghề cá hết sức quan trọng, giúp ngư dân liên kết, đảm bảo an toàn, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt, động viên nhau vươn khơi lúc “trái gió, trở trời”.
Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, đến thời điểm này của vụ cá Nam, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng khai thác của các tàu cá trên địa bàn tỉnh đang thấp hơn. Trước sự biến động của giá xăng dầu, Chính phủ cũng đã có Quyết định 48 năm 2010 hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá, và tùy theo công suất tàu mà có sự hỗ trợ khác nhau. Vai trò của các tổ, đội liên kết sản xuất rất quan trọng, không chỉ giúp ngư dân việc việc khai thác thủy sản mà hỗ trợ về mặt tinh thần cho họ.