Trước mắt, loại thủy sản chủ lực này của Việt Nam vẫn có thể duy trì được đà xuất khẩu nhờ vào lợi thế chế biến, nhưng lâu dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn, nếu Việt Nam vẫn không có giải pháp “hạ nhiệt” chi phí sản xuất.
Báo cáo của Tổng cục thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 750.000 héc ta diện tích nuôi tôm, trong đó, có khoảng 610.000 héc ta diện tích nuôi tôm sú, 120.000 héc ta diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và còn lại là các loại tôm khác. Hàng năm, cả nước cung cấp trên 1 triệu tấn tôm nguyên liệu cho tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu, với giá trị kim ngạch đạt khoảng 4,3 tỉ đô la Mỹ (năm 2022).
Vì sao giá thành tôm Việt quá cao?
Tuy nhiên, khi nhìn vào giá thành sản xuất, tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước đối thủ như: Ecuador, Ấn Độ…
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận, một trong những vấn đề lớn của ngành tôm Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng hiện nay, đó là giá thành sản xuất tôm nguyên liệu cao vì tỷ lệ nuôi thành công thấp, chỉ khoảng 40%.
“Rõ ràng, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân từ đâu, có thể từ con giống kém chất lượng làm tỷ lệ nuôi thành công giảm sút rất nhiều, khiến người nuôi phải “nuôi đi nuôi lại” nhiều lần mới có được nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu”, ông cho biết.
Giá thành thức ăn hiện nay cũng là vấn đề cần được tập trung giải quyết để làm sao người nuôi có thể tiếp cận được với một mức giá hợp lý hơn, thay vì phải chịu chi phí rất lớn từ hệ thống lưu thông, khiến nuôi tôm không đạt hiệu quả như mong muốn.
Ông Trần Hữu Lộc, Giảng viên Trường Đại học Nông lâm TPHCM – người được cộng đồng ngành nuôi tôm gọi là “tiến sĩ tôm”, ước tính với mô hình nuôi tôm ao lót bạt, Việt Nam có mật độ thả nuôi từ 120-500 con/m2, trung bình là 250-300 con/m2. “Tuy nhiên, điều này đã khiến chúng ta đang gặp vấn đề rất nặng nề, đó là tôm bị dịch bệnh, bị stress, cuối cùng khiến giá thành nuôi của chúng ta hiện nay rất cao”, ông cho biết và dẫn chứng, đối với tôm “size” 50 con/kg, giá thành của Việt Nam lên đến 4 đô la Mỹ/kg, cao hơn Ấn Độ 1 đô la Mỹ/kg và Ecuador đến 1,5 đô la Mỹ/kg.
Giá thức ăn tăng làm sao người nuôi có thể tiếp cận được với một mức giá hợp lý hơn. Ảnh: thesaigontimes.vn
Thậm chí, con số được “vua tôm” Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú đưa ra cho thấy, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu đối với “size” 50-60 con/kg của Ecuador chỉ khoảng 2,3-2,4 đô la Mỹ/kg, trong khi của Ấn Độ là 3,4-3,8 đô la Mỹ/kg và Việt Nam lên đến 4,8-5 đô la Mỹ/kg.
Còn bán hàng được là nhờ tôm… “chế biến”
Vừa trở về từ Hội chợ thuỷ sản Bắc Mỹ năm 2023 (Hội chợ thuỷ sản Boston), “vua tôm” Lê Văn Quang thừa nhận, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam như ông đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ tất cả các nước trên toàn cầu. “Vừa rồi, tôi đi hội chợ Boston và thăm khách hàng hơn 10 ngày, thì tất cả khách hàng đều phản ánh tôm Việt Nam giá cao quá, không thể mua được”, ông cho biết.
Cũng theo ông Quang, khi trao đổi về chuyện bán hàng với các nhà nhập khẩu từ Nhật Bản, thì họ cũng phản ánh giá tôm Việt Nam cao hơn Ấn Độ và Ecuador quá nhiều, khiến việc ký kết hợp đồng cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Việc thị trường nhập khẩu “chê” tôm Việt Nam có giá cao khiến xuất khẩu loại thuỷ sản này đã có sự sụt giảm mạnh, lên đến 37% trong quí đầu năm 2023 so với cùng kỳ, đạt kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 600 triệu đô la Mỹ.
Tuy nhiên, đánh giá của ông Hoè cho thấy, tôm Việt vẫn còn bán được ở thời điểm hiện tại là nhờ vào lợi thế trình độ chế biến cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh. “Về cạnh tranh, rõ ràng Việt Nam đang là quốc gia có lợi thế về sản phẩm giá trị gia tăng, trong khi đối thủ vẫn đang tập trung vào các sản phẩm mang tính chất là sản phẩm thô, cho nên, chúng ta vẫn bán được, dù giá cao hơn”, ông giải thích.
Ông Hoè cũng dẫn chứng, trong tổng số 5,5 tỉ đô la Mỹ tôm chế biến được các nước trên thế giới nhập khẩu, thì riêng Việt Nam đã chiếm đến 1,5 tỉ đô la Mỹ, cao nhất trong các nước xuất khẩu lớn hiện nay như: Ecuador, Ấn Độ, Trung Quốc. “Điều đó cho thấy, trình độ chế biến của Việt Nam đã đáp ứng được, thậm chí trong một vài năm tới”, ông nói và cho rằng, bên cạnh tối ưu về lợi thế chế biến, thì Việt Nam cần phải tính đến câu chuyện giảm giá thành trong dài hạn nhằm duy trì được sức cạnh tranh cho ngành tôm.
Bài học từ Ecuador và giải pháp cho Việt Nam?
Ông Lộc của Trường Đại học Nông lâm TPHCM cho rằng, giá thành sản xuất tôm của Ecuador thấp là nhờ họ hợp nhất chuỗi sản phẩm, tức một công ty ngoài việc có nhà máy chế biến, thì với hoạt động nuôi, có cả chương trình chọn giống, có trại giống, trang trại nuôi thương phẩm quy mô lớn. “Ở Ecuador, muốn mở một trang trại nuôi tôm, thì diện tích tối thiểu phải 50 héc ta mới được cấp giấy phép”, ông dẫn chứng và cho rằng, các nhà máy thức ăn chăn nuôi cũng liên kết rất chặt chẽ với trang trại vì trang trại lớn có “sức mạnh” đàm phán.
Nhờ hợp nhất được chuỗi sản phẩm nên ngành tôm Ecuador giảm được các chi phí trung gian, đồng thồi, hiệu quả sử dụng nước và năng lượng của họ cũng rất cao. “Do đó, cùng 120.000 héc ta, nhưng mỗi năm Ecuador sản xuất được 1,2 triệu tấn tôm, trong khi chúng ta có 120.000 héc ta nuôi tôm thẻ chân trắng và hơn 600.000 héc ta nuôi tôm sú, nhưng tổng sản lượng cũng không bằng Ecuador”, ông Lộc giải thích và cho rằng, sản lượng đạt cao là nhờ tỷ lệ nuôi thành công của Ecuador lên đến 90%, trong khi Việt Nam chỉ 40%.
Mấu chốt quan trọng dẫn đến thành công nêu trên, theo ông Lộc, Ecuador ứng dụng nuôi mật độ thưa (dưới 100 con/m2), sử dụng thức ăn có độ đạm 30%, môi trường ổn định, tôm không bị stress, nguy cơ dịch bệnh thấp…
Giá tôm Việt Nam cao hơn Ấn Độ và Ecuador
Điều này, dẫn đến tổng biến phí nuôi tôm của Ecuador chỉ khoảng 2,1 đô la Mỹ/kg, trong khi Việt Nam hơn 3 đô la Mỹ; còn định phí (chi phí cố định) của Ecuador cũng thấp hơn so với Việt Nam nhờ thiết kế, đầu tư hạ tầng nuôi đơn giản, khấu hao ít, chứ không phức tạp như của Việt Nam.
Từ bài học nêu trên, để kéo giảm chi phí biến đổi hay giá thành nuôi tôm của Việt Nam, theo gợi ý của ông Lộc, thứ nhất, phải mua tiền mặt; thứ hai, sản xuất quy mô lớn, trang trại và thiết kế hạ tầng nuôi cần đơn giản; thứ ba, nuôi mật độ thưa và tăng tỷ lệ diện tích sử dụng cho chăn nuôi. “Khi kéo giảm mật số thả nuôi sẽ giúp không phải thay nước nhiều, không tốn nhiều chi phí vi sinh, chi phí thức ăn cũng giảm, giảm độ stress…, giúp kéo giảm chi phí sản xuất”, ông Lộc dẫn chứng.
Ông Hoè của VASEP thì cho rằng, để giải quyết vấn đề giá thành nuôi tôm, trước hết phải tìm được các yếu tố làm tăng giá để trên cơ sở đó giải quyết dần, đặc biệt, là tâm lý của người nuôi hiện nay mong giá tăng nhiều hơn so với tối ưu giá thành. “Đây là vấn đề cần phải giải quyết nhằm làm tăng tính ổn định trong việc cung cấp tôm cho thị trường”, ông nhấn mạnh.
Ông Quang của Minh Phú thì cho rằng, chính lòng tham của người nuôi là muốn tôm lớn thật nhanh, năng suất thật cao nên thả mật độ thật dày, cho ăn nhiều, nhưng việc này đã khiến tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh.
“Chính vì vậy, Việt Nam muốn cạnh tranh được với các nước, thì không còn con đường nào khác, chúng ta phải gia hoá để tạo giống có khả năng chống chịu dịch bệnh, có khả năng thích ứng với môi trường”, ông Quang nhấn mạnh và giải thích, vì con giống quyết định đến 60% thành công của vụ nuôi.
Tuy nhiên, theo ông Quang, khi đã có con giống tốt, thì cần phải có quy trình nuôi tốt và hợp lý, “tức Việt Nam hiện có rất nhiều mô hình nuôi (tôm rừng, tôm quảng canh, tôm bán thâm canh, tôm lúa, tôm công nghệ cao…), thì bây giờ phải xây dựng quy trình phù hợp, mỗi mô hình phải có quy trình riêng, chứ không phải quy trình mô hình này áp dụng mô hình khác”, ông Quang giải thích và cho rằng, để làm được việc này cần khảo sát những người nuôi thành công để học hỏi, cải tiến, ứng dụng và chuyển giao cho bà con nuôi tôm thành công.