Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh Đà Nẵng, Khánh Hòa, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa–Vũng Tàu và Kiên Giang, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản và các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản. Thứ trưởng Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đã chủ trì Hội thảo.
Trong thời gian qua, ngành nông lâm ngư nghiệp đã góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đóng góp khoảng 19% GDP, trong đó kinh tế thủy sản đóng góp 30- 35%, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 – 10%/năm so với toàn ngành. Tuy nhiên, hiện trạng hạ tầng cơ sở cho phát triển thủy sản còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu phát triển của ngành theo hướng nâng cao giá trị giá tăng và bền cững, nhất là hạ tầng phục vụ khai thác hải sản. Dịch vụ hậu cần nghề cá còn thiếu và yếu, chưa hình thành được liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, giá trị gia tăng trong các sản phẩm thủy sản còn thấp. Cả nước hiện có 78 cảng cá, 46 bến cá đã đưa vào khai thác sử dụng, đáp ứng cho khoảng 82.000 tàu cá cập cảng, lượng hàng thủy sản qua cảng đạt khoảng 1,6 triệu tấn. 65 khu neo đậu tránh trú bão đã và đang được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều cảng cá/bến cá, khu neo đậu quá tải, xuống cấp, ô nhiễm môi trường, luồng lạch bị bồi lấp, không đáp ứng được yêu cầu thực tế của sản xuất.
Để phát triển ngành thủy sản bền vững, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ, giảm tổn thất sau thu hoạch và gắn với tổ chức lại sản xuất trên biển hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác trên các vùng biển xa, Chiến lược Phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định quan điểm hình thành các trung tâm nghề cá lớn ở Vịnh Bắc bộ, duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ gắn với các ngư trường trọng điểm. Để cụ thể hóa nội dung của Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 và Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản đã xác định 5 Trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm: Trung tâm nghề cá Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ, Trung tâm nghề cá Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa, Trung tâm nghề cá Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa, Trung tâm nghề cá Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ và Trung tâm nghề cá Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ.
Để xây dựng Trung tâm nghề cá lớn đáp ứng yêu cầu cũng như tính thực tiễn cao khi đưa vào vận hành và sử dụng phục vụ chiến lược phát triển ngành, tại Hội thảo, Tổng cục Thủy sản đã trình bày dự thảo tiêu chí quy hoạch Trung tâm nghề cá lớn. Theo đó, Trung tâm nghề cá lớn là khu chức năng đặc thù bao gồm tổ hợp cảng cá được kết nối với hệ thống các hạ tầng kinh tế xã hội, dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại có quy mô cấp quốc gia tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản. Thành phần chính của Trung tâm nghề cá lớn là cảng cá động lực. Về lựa chọn vị trí cảng cá động lực, dự thảo đã đưa ra các tiêu chí về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, tiêu chí về đặc điểm vùng hấp dẫn của cảng cá động lực, quy mô và công năng hiện trạng của cảng cũng như tính đồng bộ với chiến lược, quy hoạch. Cảng cá động lực được lựa chọn phải gần ngư trường trọng điểm, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc xây dựng cầu cảng, bãi hàng, khu neo đậu, tận dụng triệt để các tiền đề vật chất kỹ thuật nghề cá hiện hwux, giảm được chi phí nạo vét luồng khi xây dựng mới cũng như kinh phí duy tu bảo dưỡng trong quá trình khai thác, sử dụng sau đầu tư.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực xây dựng tiêu chí quy hoạch chi tiết Trung tâm nghề cá lớn, trong đó tập trung vào quy hoạch cảng cá động lực. Việc lựa chọn đúng vị trí cảng cá động lực là rất quan trọng, có khả năng thu hút tàu cá không chỉ trong tỉnh mà còn tàu cá của các địa phương khác, thậm chí cá tàu cá nước ngoài đến bốc dỡ hàng thủy sản. Quy mô cảng cũng cần có nghiên cứu thêm để xác định lượng hàng qua cảng tối thiểu cũng như diện tích của cảng động lực. Nhiều đại biểu cũng đề xuất nên có thêm tiêu chí về môi trường, xác định trách nhiệm quản lý đầu tư và sử dụng sau đầu tư giữa trung ương và địa phương cũng như cơ chế thu hút đầu tư.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã giao Tổng cục Thủy sản tiếp thu các ý kiến góp ý để sớm hoàng chỉnh dự thảo tiêu chi quy hoạch. Các địa phương cần rà soát kỹ để lựa chọn vị trí xây dựng cảng cá động lực phù hợp với chức năng, văn hóa, tập quán của ngư dân và đáp ứng điều kiện cơ sở hạ tầng. Các trung tâm nghề cá lớn phải đáp ứng các tiêu chí về vị trí, chức năng nhiệm vụ, quy mô; trong đó lấy tiêu chí cảng cá động lực làm trọng tâm. Các tỉnh có Trung tâm nghề cá lớn cần sớm thực hiện quy hoạch chi tiết về cảng cá động lực. Từ đó, căn cứ vào sản lượng khai thác hàng năm và dự báo sản lượng trong tương lai để có cơ sở xác định tiêu quy mô và hạ tầng đầu tư trung tâm. Trung tâm nghề các lớn phải đáp ứng điều kiện về diện tích, cơ sở hạ tầng, điều kiện an toàn cho công tác bố trí neo đậu, tránh trú bão, bốc xếp hàng hóa để trong tương lai các trung tâm này phải có chức năng phục vụ, thu hút các tàu quốc tế đến trao đổi thương mại. Xây dựng Trung tâm nghề cá lớn phải gắn với các công trình phụ trợ như sản xuất chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và phải có những giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư. Các trung tâm nghề cá hình thành phải đáp ứng yếu tố về môi trường, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cũng, không gây ô nhiễm. Tổng cục Thủy sản cần tham mưu đề xuất phân cấp quản lý đầu tư và sử dụng sau đầu tư đối với trung tâm nghề cá lớn giữa trung ương và địa phương để đảm bảo hiệu quả đầu tư