Diện tích tôm thẻ chân trắng tăng nhanh
Đầu năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS về việc cho phép phát triển nuôi TTCT ở các tỉnh ĐBSCL nhằm góp phần đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi trồng và xuất khẩu. Tuy nhiên, khi TTCT được được vào nuôi đại trà ở các vùng nuôi thâm canh thì diện tích loài tôm này liên tục được mở rộng do thời gian nuôi ngắn, hiệu quả cao.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2013, diện tích và sản lượng TTCT lần lượt đạt 66.000 ha và 273.000 tấn, tăng mạnh so với 42.000 ha và 186.000 tấn của năm 2012. Không những thế, ở một số địa phương, TTCT đã trở thành lựa chọn số 1 của nông dân với diện tích thả nuôi TTCT tăng rất nhanh và hoàn toàn lấn át tôm sú (TS).
Tại Tiền Giang, năm 2013, diện tích thả nuôi TTCT là 2.696,3 ha, cao hơn 5 diện tích thả nuôi TS trong năm và tăng hơn 7 lần so với diện tích thả nuôi TTCT năm 2008. Ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, Tiền Giang là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển diện tích nuôi TTCT nhanh nhất khu vực ĐBSCL và cuối năm 2013 nhiều người nuôi TTCT thắng lớn.
Tổng vốn lưu động (con giống, thức ăn,....) nuôi TTCT trung bình trên mỗi hecta tính cho một vụ nuôi khoảng 540 triệu đồng, trong khi doanh thu đối với cỡ tôm thu hoạch loại 60 con/kg đạt hơn 1 tỷ đồng. Tính ra mỗi vụ TTCT khoảng 3 tháng, nông dân nuôi tôm có lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha. Đó là nguyên nhân quan trọng khiến TTCT tiếp tục được nông dân ưu tiên chọn thả nuôi trong tháng đầu năm 2014.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, nông dân nuôi tôm ở xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông cho biết, trong thời điểm nửa cuối năm 2013, TS phải từ trên 3 tháng mới có khả năng hoà vốn và 4 tháng trở lên khi tôm đạt cỡ 30 - 40 con/kg mới bán được với giá 180 - 200 ngàn đồng/kg, lợi nhuận mỗi vụ khoảng 300 - 400 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đối với TTCT chỉ cần nuôi trên 40 ngày là hòa vốn và khoảng 2 tháng thì tôm đạt cỡ 100 con/kg có giá 92 - 95 ngàn đồng/kg, lợi nhuận mỗi vụ hơn 300 triệu đồng/ha.
Không chỉ chiếm ưu thế ở các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, thời gian gần đây con TTCT đã bắt đầu xâm nhập vào tận các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, trước đây được coi là lãnh địa của TS. Theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, ở bán đảo Cà Mau, hơn 70% diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến ở địa phương này đã được nông dân thả nuôi TTCT. Một vài doanh nghiệp cũng cho biết, đội ngũ thu mua của họ mỗi ngày có thể mua vài tấn TTCT nguyên liệu cỡ lớn từ vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến ở bán đảo Cà Mau.
Không nên bỏ tôm sú
Thời gian nuôi TTCT ngắn hơn, đồng nghĩa với rủi ro dịch bệnh ít hơn con TS, nhưng qua thời gian hơn 5 năm được phép thả nuôi ở ĐBSCL, con TTCT cũng bắt đầu thể hiện khả năng bùng phát dịch bệnh không thua gì con TS.
Tại Trà Vinh, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh này cho biết, các vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh thuộc hai huyện Cầu Ngang và Duyên Hải hiện có hơn gần 930 ha tôm nuôi theo hình thức thâm canh, chủ yếu là TTCT. Điều đáng lo ngại là mặc dù diện tích nuôi tôm đầu vụ chưa nhiều nhưng một số thời điểm thời tiết lạnh khiến tôm nuôi chết hàng loạt. Hiện nay, diện tích tôm thẻ chân trắng thả nuôi bị dịch bệnh chiếm hơn 17% diện tích thả nuôi.
Ở Tiền Giang, diện tích tôm TTCT bị dịch bệnh thời điểm này là 177,65 ha (chủ yếu là bệnh đốm trắng), chiếm đến 42% diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thả nuôi. Tình hình dịch bệnh ở các tỉnh trọng điểm nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL như: Sóc Trăng, Cà Mau cũng có diễn biến tương tự.
Ông Phan Hữu Hội nhận định, năm 2013, giá tôm cỡ nhỏ tăng cao nên TTCT có lợi thế chỉ cần nuôi 35 - 40 ngày đã hòa vốn trong khi TS cần phải nuôi trên 3 tháng mới hòa vốn, đồng nghĩa rủi ro của TTCT thấp hơn. Bên cạnh đó, TTCT đạt cỡ 100 con/kg có sản lượng cao 8-10 tấn, bán được giá, nhưng TS đạt cỡ này chỉ thu hoạch được vài trăm trăm kí, bán giá không cao hơn TTCT nên giá trị kinh tế không đáng kể. Tuy nhiên, khi giá tôm thấp, người nuôi TTCT bị dịch bệnh sẽ bị lỗ nhiều hơn so với nuôi TS do chi phí đầu tư nuôi TTCT (con giống, thức ăn...) cao hơn nhiều.
Mặt khác, theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau), hiện nay các nước nuôi tôm trên thế giới hầu như đã chuyển sang nuôi TTCT hoàn toàn, ngoại trừ Ấn Độ và Việt Nam. Trong khi đó, thị trường con TS hiện nay vẫn rất tốt với thị phần khoảng 20% dù giá TS cao hơn 2- 2,5 USD/kg, vì chất lượng TTCT không bằng TS. Do đó, hiện nay, Thái Lan (quốc gia đứng đầu về sản xuất TTCT) đang âm thầm chọn lọc, gia hóa TS nhằm chọn ra dòng TS có đặc tính tốt với mục đích phát triển lại loại tôm này.
Nhiều chuyên gia ngành tôm cũng nhận định, nếu nông dân ồ ạt thả nuôi TTCT sẽ có lúc gặp khó trong tiêu thụ do Việt Nam hơi chậm chân trong việc nuôi đối tượng này, giá thành sản xuất cao hơn 10 - 20% so với so với nhiều nước. Bằng chứng là TTCT Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam vẫn rẻ hơn so với giá tôm nguyên liệu trong nước. Còn giá TTCT Ấn Độ cũng đang thấp hơn tôm Việt Nam khoảng 2 USD/kg.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bày tỏ, Bộ vẫn chủ trương phát triển TTCT, nhưng không bỏ TS, đặc biệt là tại các hệ thống nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm rừng. Nguyên nhân là do Việt Nam là một trong những quốc gia ít ỏi còn nuôi TS, thị trường cho đối tượng nuôi này vẫn còn và chưa có đánh giá đầy đủ về việc đưa con TTCT vào nuôi trong các mô hình nuôi quảng canh.