5 giờ sáng mùng 5 Tết, những chiếc thuyền nhỏ bắt đầu hướng vào bờ. Không thể đưa thuyền vào Gành Đèn (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), các ngư dân neo thuyền từ xa rồi thả thúng chai mang theo để vào bờ.
Trên bờ, tụm 5 tụm 3 những người phụ nữ thu mua tôm hùm giống đã chuẩn bị sẵn thùng xốp, nước biển, máy sục ôxy để giữ những con tôm hùm trắng khỏe mạnh như giữ báu vật mà biển cả ban tặng.
Ông Nguyễn Văn Độ (44 tuổi, ngụ Bãi Bàng, xã An Ninh Đông) cho hay năm nay tôm hùm giống xuất hiện ít hơn hẳn mọi năm.
Nếu như các năm, trước Tết Nguyên đán, biển động, tôm hùm giống xuất hiện nhiều nên ngư dân có tiền rủng rỉnh tiêu Tết thì năm nay, biển cũng động nhưng tôm hùm xuất hiện rất thưa.
"Mấy ngày Tết tôm hùm mới xuất hiện trở lại được ít nên anh em tranh thủ đi săn. Ngày Tết ngày nhứt mà ra biển thế này thấy cũng nao nao nhưng phải tranh thủ để có tiền cho con trở lại trường" – ông Độ bộc bạch.
Cập thúng chai vào gành đá, anh em ông Độ thoăn thoắt mang chiếc hộp nhựa nhỏ xíu xăm xăm về phía những người thu mua. Nhìn vào chiếc hộp ấy, những người không quen sẽ không nhận ra cả bạc triệu trong ấy.
Những con tôm hùm giống nhỏ như que tăm, trắng muốt đến độ không nhận ra nếu không nhìn kỹ 2 con mắt màu nâu bé tí ngọ nguậy.
Nhẹ nhàng đổ hộp nhựa lên lòng bàn tay để đếm từng con tôm hùm trắng rồi vội cho vào thùng xốp đã sẵn nước biển sục ôxy, mắt bà Trần Thị Tuyết sáng lên như cũng mừng thay cho anh em ông Độ.
Sáng nay, thuyền 2 anh em ông Độ săn được 32 con tôm hùm trắng. Biển êm, nhưng săn được nhiêu ấy đã là quá giỏi. Với giá bán 280.000 đồng/con, anh em ông kiếm được gần 9 triệu đồng – một khoản lớn mà không mấy khi ngư dân kiếm được trong năm.
Vì vậy mà làng biển Bãi Bàng với hơn 100 nóc nhà, nhưng có hơn 40 gia đình sống bằng nghề mành tôm hùm. Số còn lại sống bằng nghề thợ lặn và đi "bạn" các tàu câu cá ngừ đại dương.
Dẫu nghề săn tôm hùm giống cũng giống như nghề thợ lặn, đều là những nghề nguy hiểm, nhưng không ai muốn bỏ nghề. Chỉ riêng Phú Yên đã có đến hơn 700 thuyền sống bằng nghề săn tôm hùm giống.
Về thăm ngôi làng ở Hà Nội ăn cả tấn thịt chó vào mùng 4 Tết hàng năm: Không ép bất cứ ai nếu họ không muốn ăn
Ông Đặng Văn Thái, một ngư dân từng chuyển từ nghề thợ lặn sang nghề săn tôm hùm giống hơn 10 năm qua, bảo rằng đây là nghề "vào hang bắt cọp".
Bởi vì biển càng động, đưa thuyền vào những chỗ càng nguy hiểm như gành đá, bãi đá ngầm thì mới săn được nhiều tôm.
Tôm hùm trắng theo con nước tấp vào các gành đá, bãi đá ngầm, ngư dân dùng lưới mành, hoặc treo bẫy bằng đá san hô cho tôm trú vào ấy rồi giở lên.
Những người lái thuyền để săn tôm hùm giống phải có tay nghề rất cao mới đưa thuyền vào được gần gành đá, bãi đá ngầm an toàn. Một chút sơ sẩy, để sóng lớn đập thuyền vào gành đá hay bãi đá ngầm xem như… "xong phim".
"Đã có những đồng nghiệp chúng tôi bỏ mạng nơi gành đá rồi. Sóng lật thuyền nơi gành đá thì may lắm mới thoát chết vì rất khó để leo lên gành được. Tay vịn được vào gành thì sóng cũng đập vào rồi cuốn ra" – ông Thái nói.
Ngay sau Tết Nguyên đán năm 2015, dân săn tôm hùm ở Phú Yên đã phải chia tay với thợ săn kỳ cựu Lê Rừng (SN 1955, ngụ xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa). Chiều 15-3-2015, ông Rừng cùng 2 người nữa lên thuyền ra biển để đặt bẫy tôm hùm giống.
Khi cách bờ khoảng 1 km, 1 người giữ thuyền, ông Rừng và 1 người khác chèo thúng chai vào khu vực bãi đá ngầm đặt bẫy bắt tôm hùm giống. Một con sóng lớn đánh ập tới, chiếc thúng chai bị lật úp, người con lại bơi được vào bờ, còn ông Rừng… về với biển.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu (Phú Yên), cho biết đến nay trên thế giới vẫn chưa có nước nào cho tôm hùm sinh sản nhân tạo được. Nguồn giống tôm hùm vẫn chỉ dựa vào tự nhiên.
Nghề nuôi tôm hùm phát triển nên nguồn giống ngày càng cạn kiệt. Trước đây, Phú Yên phải nhập giống tôm hùm (loại bọ cạp) từ Indonesia và Malaysia, Philippines, nhưng nay giống tôm hùm các nước này cũng khan hiếm nên việc nhập giống cũng hạn chế.
Tôm hùm giống cung không đủ cầu nên giá tôm hùm trắng sẽ ngày một tăng chứ không thể hạ.