Không bó tay với hoàn cảnh
Út Diễn kể năm 1989, ông thi đậu vào Trường cao đẳng sư phạm Bến Tre nhưng vì nhà quá nghèo, đành chấp nhận ở lại quê làm nông kiếm sống. Nhưng nhà chỉ có 3, 4 công đất nhiễm phèn, mặn; mỗi năm giỏi lắm cũng chỉ thu hoạch được khoảng 400 kg lúa, nên gia đình thiếu thốn trăm bề. Đến năm 1992, Út Diễn cưới vợ, cuộc sống lại càng chật vật hơn.
Không đầu hàng hoàn cảnh, Út Diễn quyết định mướn đất canh tác. Ban đầu ông mướn 1 công đất trồng ớt. Nhờ chăm sóc kỹ và đúng cách, ớt trúng mùa, mỗi tháng ông thu hoạch bình quân 150 kg, bán được với giá 10.000 đồng/kg (tương đương giá giạ lúa cùng thời điểm). Năm 1997, khi không thể mướn tiếp đất trồng ớt, ông liền quay qua mướn ruộng trồng lúa nếp. Với 1,2 ha ruộng mướn làm lúa nếp lùi, qua hơn 5 tháng chăm sóc, thu được 19 giạ/công, bán với giá 50.000 đồng/giạ, cho thu nhập trị giá hơn 2 cây vàng vào thời điểm ấy. Cùng lúc đó, ông cũng tận dụng đất nhà làm ao nuôi các loại cá như cá phi, cá mè, cá chép… Qua 6 tháng đầu tư, ông thu gần 2 tấn cá, với giá bán từ 12.000 - 13.000 đồng/kg, ông thu được tổng cộng gần 5 cây vàng.
Năm 1998, ông gom hết số tiền tích lũy cất nhà kiên cố để ổn định nơi ăn chốn ở. Cất nhà cạn vốn, ông xin đi làm công ở lò ấp vịt để mày mò học nghề, sau đó làm thợ ấp vịt với mức lương trên 1 triệu đồng/tháng. Năm 2003, ông quay về cải tạo 3, 4 công đất nhà thành ao nuôi tôm sú quảng canh. Ngay lứa thả nuôi đầu tiên, ông thu hoạch được 500 kg tôm, bán với giá 80.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi ròng 25 triệu đồng, chỉ sau hơn 3 tháng nuôi. Hai năm tiếp theo, ông lại tiếp tục thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh nhờ biết chọn giống tốt, chăm sóc kỹ và tự lực thức ăn cho tôm bằng cách tận dụng nguồn cá biển mua giá rẻ hoặc đi soi còng về chế biến, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư. Đầu năm 2006, cũng với diện tích ao trên, ông mạnh dạn mua sắm máy móc, chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, mỗi năm thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng. Tiếp đó, ông lại chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Bằng kinh nghiệm tích lũy được, trong 2 năm 2011 - 2012, Út Diễn lại tiếp tục thành công với loài tôm nuôi mới, thu hoạch được trên 5 tấn tôm thẻ chân trắng, thu lời hơn 300 triệu đồng.
Hiệu quả từ… xen canh
Điểm mấu chốt tạo nên thành công của Út Diễn là luôn tận dụng mọi cơ hội tạo ra thu nhập. Như khi xử lý ao tôm sau thu hoạch, ông mang cá giống thả vào ao tôm để vừa làm vệ sinh môi trường vừa tận dụng các chất thải tồn đọng trong ao làm thức ăn cho cá. Với hình thức này, cứ mỗi đợt xử lý ao tôm, ông thu hoạch thêm trên 1 tấn cá thịt, thu lãi không dưới 20 triệu đồng. Hoặc như việc ông khởi phát phong trào nuôi bồ câu tại địa phương. Đầu năm 2012, qua nghe báo đài giới thiệu về mô hình nuôi bồ câu Hà Lan có hiệu quả, ông khăn gói đến tận nơi học hỏi, đặt mua liền hơn 80 cặp giống và về cất ngay chuồng trại để nuôi. Gần 1 năm nay, trung bình mỗi tháng có 70 cặp bồ câu đẻ trứng. Hiện bồ câu giống có giá bán 100.000 đồng/cặp, bồ câu ra ràng 70.000 đồng/cặp. Sau khi trừ chi phí, Út Diễn thu lãi trên dưới 3 triệu đồng/tháng, chỉ với diện tích chuồng trại không quá 100 m2. Điều đáng nói là từ thành công của mình, ông đã cung cấp giống và truyền đạt kinh nghiệm nuôi cho 10 hộ chung ấp và các hộ này hiện đang có thu nhập ổn định.
Năm 2012, Út Diễn được vinh danh là nông dân sản xuất giỏi cấp toàn quốc. Có lẽ dấu ấn cho sự vinh danh ấy chính là ở tính cách của ông: luôn năng động tận dụng mọi cơ hội để nỗ lực vươn lên đổi đời và góp phần vào sự tiến bộ của cộng đồng.