VÙNG NUÔI CHƯA ỔN ĐỊNH
Khoảng 1 tháng nữa là kết thúc vụ nuôi tôm thứ nhất năm 2014 tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa), thế nhưng đến nay diện tích thả nuôi ở khu vực này chưa nhiều, ngư dân còn lo ngại vì vùng nuôi chưa thật sự ổn định. Ông Nguyễn Văn Thư, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa cho biết: Diện tích nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch khoảng 1.200ha, đến nay vụ 1 đã thả nuôi hơn 420ha, đạt khoảng 35% kế hoạch. Tình hình tôm nuôi phát triển tốt, trong đó một số diện tích đã thu hoạch cho kết quả khá, nhiều hộ nuôi có lãi. Ông Dương Thành Tiên, người nuôi tôm ở cánh đồng Hà Tân, xã Hòa Xuân Đông, cho biết: “Tôi thuê 4 hồ liền kề nhau, diện tích khoảng 1ha với giá 20 triệu đồng/năm. Đến nay tôm nuôi được 2 tháng rưỡi, tổng chi phí đã lên khoảng 400 triệu đồng. Gia đình vừa thu hoạch xong 2 hồ (khoảng 6.000m2), tôm đạt kích cỡ 83 con/kg, sản lượng trên 5 tấn, giá bán 128.000 đồng/kg, lãi trên 300 triệu đồng. 2 hồ nuôi còn lại, tôm cũng đang phát triển tốt, dự kiến khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch”.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, số diện tích nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch đến nay thu hoạch chưa nhiều, trong số này nhiều người thu lãi lớn và nhiều người bị lỗ nặng. Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm, cho biết: “Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn xã khoảng 500ha, đến nay bà con đã thả nuôi khoảng 150ha. Trong số diện tích thả nuôi, đã thu hoạch khoảng 60ha, năng suất khoảng 3,5 tấn/ha. Với giá tôm hiện nay khoảng 110.000 đồng/kg 100 con, nhiều người nuôi trên địa bàn xã có lãi. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn xã đã có gần 20ha tôm nuôi bị bệnh và chết, người nuôi bị lỗ vốn nặng”. Theo ông Thư, thời gian qua, do thời tiết bất lợi cho tôm nuôi nên đã có 35,8ha tôm bị bệnh, bệnh xảy ra ở tôm nuôi khoảng 25 đến 45 ngày tuổi và có khả năng lan rộng thành dịch. Cơ quan thú y lấy mẫu kiểm tra, phát hiện một số bệnh như đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Phòng NN-PTNT huyện đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện; đồng thời, tổ chức mở lớp tập huấn về bệnh tôm và các giải pháp phòng trừ bệnh để người nuôi biết cách phòng trừ.
TẬP TRUNG ĐẦU TƯ CHO VÙNG NUÔI
Hiện nay, tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Đông Hòa vẫn chưa ổn định, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn thường xuyên xảy ra. Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, năm 2013 ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch đã có hơn 400ha tôm nuôi bị bệnh, trong đó khoảng 7% diện tích nuôi bị mất trắng. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết biến đổi bất thường, một số hộ nuôi không đảm bảo kỹ thuật trong khâu vệ sinh ao hồ, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp, người nuôi tôm chưa chấp hành quy chế vùng nuôi, thả nuôi chưa đồng bộ nên dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Chất lượng con giống trong nhiều năm nay không được kiểm soát chặt chẽ, người nuôi chủ yếu lựa chọn những trại tôm giống có uy tín trên thị trường, chứ không thể biết nguồn giống tôm mình mua có sạch bệnh hay không. Ông Lê Ngọc An, Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ (tỉnh Ninh Thuận), cho biết: “Hiện nay, giống thủy sản trôi nổi có mặt nhiều nơi trên thị trường, nếu người mua không kiểm tra kỹ sẽ gặp những lô hàng kém chất lượng. Đối với vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch, ngoài việc đảm bảo cung cấp con giống sạch bệnh thì Công ty Nam Mỹ còn có chính sách hỗ trợ thêm 20% con giống. Nếu gặp rủi ro, công ty chúng tôi sẽ hỗ trợ từ 50 đến 70% con giống để người nuôi tiếp tục thả nuôi lại. Đến nay, số tôm giống do Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ cung cấp cho vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch vụ này vẫn ổn định và phát triển tốt, chưa có diện tích nào xảy ra dịch bệnh”.
Ông Lưu Bá Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho biết: Để hạn chế bệnh, dịch xảy ra trên tôm nuôi tại địa bàn, UBND huyện Đông Hòa đã có kế hoạch phòng, chống và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có nuôi tôm thực hiện quản lý vùng nuôi. Đồng thời, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tăng cường quản lý về chất lượng con giống, quản lý chặt chẽ chất lượng thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Huyện Đông Hòa đang quy hoạch chi tiết vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng và phương thức nuôi phù hợp với từng tiểu vùng. Triển khai các mô hình sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, nuôi đa loài luân canh, xen canh, nuôi kết hợp nhiều loài theo hướng xử lý môi trường bằng sinh học, thành lập các tổ cộng đồng phù hợp theo từng vùng nuôi theo hướng bền vững; tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng những điểm nuôi công nghiệp, những nơi có điều kiện; tranh thủ sự đầu tư của cấp trên, xây dựng hệ thống thủy lợi vùng nuôi, hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống điện sản xuất vùng hạ lưu sông Bàn Thạch theo quy hoạch chi tiết để phù hợp cho phương thức sản xuất từng tiểu vùng…