Cá vồ đém

: Spot pangasius
: Pangasius larnaudii Bocourt, 1866
: Cá vồ đốm, Black-Spotted Catfish
Phân loại
Pangasius larnaudiiBocourt, 1866
Ảnh Cá vồ đém
Đặc điểm sinh học

Thân dài, phần trước của thân có tiết diện tròn, phần sau thân dẹp bên. Đầu dẹp bằng, trán rộng. Răng nhỏ, mịn. Tất cả các răng vòm miệng làm thành một đường vòng cung liên tục với nhiều chỗ lõm hoặc tách rời ở giữa thành 2 đám. Râu nhỏ, ngắn. Râu mép kéo dài đến hoặc không đến gốc vây ngực. Mắt lớn vừa nằm phía trên đường thẳng ngang kẻ từ góc miệng và cách đều chót mõm với điểm cuối nắp mang. Đường bên phân nhánh ngoằn ngoèo  chạy dài từ mép trên lỗ mang đến điểm giữa gốc vây đuôi. Da trơn, không vảy. Mặt  lưng của thân và đầu có màu xám đen ánh xanh lá cây, lợt dần xuống mặt bụng, bụng cá có màu trắng. Phía trên gốc vây ngực có một đốm đen, to. Ngọn các tia vây thứ III, IV, V, VI của vây hậu môn và màng da giữa các tia vây bụng có màu đen.

Cá có kích thước thường gặp từ 17 – 21 cm  ứng với trọng lượng 30 – 150 gram. Kích thước tối đa đạt đến 130 cm.

Phân bố

Trên thế giới cá vồ đém phân bố ở lưu vực sông Mêkông thuộc bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, trên các sông vừa và lớn cũng như các vùng ngập. Cá cũng hiện diện trên sông Chao Phraya tại Thái Lan.

Ở Việt Nam cá phân bố trên sông Tiền, sông Hậu, tập trung ở các vùng nước sâu trên sông. Đôi khi cũng gặp cá ở vùng nước nông có dòng chảy mạnh. Vào đầu mùa mưa (tháng 5 - 6) chúng di cư ngược dòng về thượng nguồn.

Nơi trú ẩn của cá trải qua mùa khô ở các vực sâu trên dòng chính sông Mekong đoạn từ Kra-chiê-Stung Treng.

Tập tính

Cá di cư sinh sản khi bắt đầu mùa mưa (tháng 5-7). Ấu trùng đi vào vùng ngập và sinh sống ở đó trong suốt mùa lũ. Vào các tháng mùa khô, cá di cư đến các vực sâu để ẩn nào. Cá vồ đém là một trong số ít loài cá trong họ Pangasiidae có thể quan sát ở sát mặt nước, đây là điều kiện để ngư dân dễ dàng khai thác cá.

Tính ăn: Cá vồ đém sống ở các vùng nước sâu trên sông. Đôi khi cũng gặp cá ở vùng nước nông có dòng chảy mạnh. Vào mùa lũ cá thường di cư vào các vùng ngập tìm mồi. Cá ăn tạp, là loài ăn tạp nhất trong họ Pangsiidae. Thức ăn thường là các loài cá nhỏ, tôm tép nhỏ, giun, ốc và cả thực vật. Cá di cư vào vùng ngập để sinh sản vào đầu mùa lũ. Cá con kiếm ăn tại các vùng ngập ven sông (MRC, 2005).

Tăng trưởng: Cá đạt kích cỡ tối đa 150 cm. Thường gặp 90 - 100 cm. cá bột đạt kích cỡ 3,5 mm sau khi nở 12 giờ; 8,4 mm ở 4 ngày tuổi; 8,8 mm ở 8 ngày tuổi và 23,0 mm khi được 18 ngày tuổi (Lê Sơn Trang, 2004).

Sinh sản

Hiện vẫn còn nhiều bàn cãi về bãi đẻ tự nhiên của cá vồ đém. Rainboth (1996) cho rằng cá đẻ ở các vùng ngập vào đầu mùa lũ. Bardach (1959) lại cho rằng cá để trên sông Mêkông gần Stung Treng (Campuchia), sau 6 - 8 ngày cá bột di chuyển đến sông Bassac ở phía Nam Lào. Do cá vồ đém di cư ngược dòng vượt qua thác  Khone (Thái Lan), nên có thể có một bãi đẻ khác ở thượng lưu thác  này.

Cá có khuynh hướng di cư vào các vùng nước sâu trong mùa khô. Cá thành thục sinh dục thì di chuyển ngược dòng từ nơi kiếm ăn về bãi đẻ vào đầu mùa mưa (Baird, 1998, Singanouvong và ctv, 1996).

Ngoài tự nhiên cá đẻ trứng từ tháng 5 – 7 (MRC, 2005). Kết quả điều tra cơ sở SXG năm 2010, trong đều kiện nhân tạo mùa vụ sinh sản kéo dài hơn ngoài tự nhiên (tháng 4 - 9), tuổi thành thục lần đầu là 3 tuổi.

Theo Lê Sơn Trang (2004), cá vồ đém nuôi vỗ cho sinh sản lần đầu có trọng lượng 2 – 5kg/con, sau thời gian nuôi vỗ bằng thức ăn viên 30 – 36% đạm, cá thành thục > 40%, mùa vụ sinh sản kéo dài từ tháng 5 – 8. Trong điều kiện nhân tạo dùng HCG để kích thích cá rụng trứng.

Hiện trạng

Giá trị kinh tế: Đây là loài cá có kích thước lớn, có giá trị kinh tế cao, là đối tượng nuôi trong ao, hầm bè ở ĐBSCL...

Khai thác: Ngư cụ được dùng khai thác: Cào, lưới, câu giăng.

Mùa vụ khai thác: Vào tháng 8

Hiện trạng nghiên cứu và phát triển: Đây là cá cá bản địa đang được chọn cho sinh sản nhân tạo.

Tài liệu tham khảo
  1. http://nbc.org.vn/chi-tiet-bai-viet/584/ca-vo-dem.html
Cập nhật ngày 14/06/2021
bởi
Xem thêm