Cá Lăng chấm

: Spotted catfish
: Hemibagrus guttatus (Lacepède, 1803)
:
Phân loại
Hemibagrus guttatus(Lacepède, 1803)
Ảnh Cá Lăng chấm
Đặc điểm sinh học

Đồng danh:

Pimelodus guttatus Lacépède, 1803

Macrones chinensis Chevey & Lemasson, 1937

Hemibagrus elongatus hongus Mai Đinh Yen, 1978

Mystus gutlatus Cui ni Chu & Chen, 1990

Hemibagtus hongus Kottlat, 2001.

Cá cỡ lớn, thân trần dài, phần trước dẹp bằng, sau dẹp bên. Đầu rộng, bẹt và tương đối dài. Mõm rộng, phía trước hơi bằng. Mắt ở phía trên và nửa trước của đầu. Khoảng cách 2 mắt rộng bằng. Lỗ mũi trước và sau xa nhau. Có 4 đôi râu. Râu hàm dài nhất tới mút sau vây bụng. Miệng to, kề dưới, hình cung nông. Hai hàm có răng dạng lông nhung xếp thành dải. Răng trên xương vòm xếp thành dải hình cung nông, giữa nhỏ và 2 bên to hơn. Vây lưng cao, tia gai vây lưng dài, phía sau có răng cưa. Hậu môn gần vây bụng hơn vây hậu môn. Vây đuôi phân thuỳ sâu. Đường bên hoàn toàn, bằng thẳng. Bóng hơi 2 ngăn. Lưng xám đen, bụng trắng nhạt, bên thân có nhiều chấm đen to nhỏ. Vây lưng, vây mỡ và vây đuôi màu hơi đen. Vây ngực, vây bụng và vây hậu môn màu nhạt.

Phân bố

Trong nước: Các sông lớn ở phía Bắc: sông Hồng, sông Thái Bình, sông Kỳ Cùng, sông Mã, sông Lam tới sông Trà Khúc - Quảng Trị.

Thế giới: Trung Quốc và Lào.

Tập tính

Cá sống ở tầng đáy, có kích thước lớn, tối đa tới 40kg/con, thường gặp cỡ 1 - 4kg. Cá lăng chấm ở sông Hồng sau 1 năm dài 22 - 25cm, sau 2 năm chiều dài tăng gấp đôi. Những năm sau cá tăng trưởng chiều dài giảm nhưng tăng về khối lượng nhanh. Cá có tuổi lớn nhất tới 13 - 15 năm. Cá lăng là loài cá dữ điển hình. Cá nhỏ có phổ thức ăn khá rộng gồm: ấu trùng, côn trùng, giun ít tơ, rễ cây... Cá lớn ăn chủ yếu là cá con, tôm cua, mùn bã hữu cơ, thực vật... 

Sinh sản

Cá lăng cái thành thục vào tuổi 3+, dài 61cm, nặng 1,6kg. Cá đực thành thục vào 4 tuổi, dài 72cm, nặng 2,7kg. Mùa sinh sản từ tháng 4 - 6, đẻ muộn có thể tới tháng 8. Khi sinh sản cá di cư lên vùng trung và thượng lưu các sông, nơi nước chảy, đáy nhiều sỏi đá. Bãi Cá lăng đẻ trên sông Hồng tập trung từ Yên Bái lên Lào Cai, trên sông Đà từ Tạ Khoa (Sơn La) lên Lai Châu; trên sông Lô - Gâm từ Tuyên Quang đến Hà Giang. Cá đẻ trứng trong hang đá, hốc ngầm tự nhiên hoặc đào thành hố để đẻ. Cá bố mẹ có tập tính chăm sóc con cái.

Hiện trạng

Giá trị:

Là loài cá quý, hiếm. Sản lượng cá ở trung và thượng lưu các sông lớn khá cao. Cá có triển vọng trở thành cá nuôi.

Tình trạng:

Nơi cư trú của cá bị thu hẹp trên 20% do xây dựng các hồ chứa thủy lợi và thủy điện. Nhiều sông suối bị lũ lớn, vùng sinh thái nơi sống và bãi đẻ bị đảo lộn, hạn chế việc khôi phục số lượng. Cá lăng chấm bị săn lùng nhiều để cung cấp cho tiêu dùng và xuất khẩu. Sản lượng Cá lăng chấm ở sông Hồng từ 26 - 30 tấn/năm: hồ chứa Hoà Bình 8 - 9 tấn, sông Lô - Gâm 9 - 10 tấn, sông Thao 5 - 6 tấn, hồ Thác Bà 4 - 5 tấn. Sản lượng hiện nay chỉ còn 2,2% so với những năm 1960 -1970 (Phạm Báu & Nguyễn Đức Tuân, 1998).

Tài liệu tham khảo

1. http://www.vncreatures.net/chitiet.php?page=7&loai=1&ID=6135

2. https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1_l%C4%83ng_ch%E1%BA%A5m

Cập nhật ngày 02/08/2021
bởi NIMDA TH
Xem thêm