Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch COVID-19 bùng phát đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất và thương mại tôm toàn cầu. Cho tới nay, dịch bệnh này đã và đang tiếp tục ảnh hưởng rõ rệt hơn tới hoạt động nuôi trồng, thương mại tôm của một số nguồn cung lớn trên thế giới. Hoạt động nuôi tôm tại Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á sẽ bị thu hẹp do COVID-19.
Tác động của COVID-19 đối với ngành tôm trong nước
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những tác động không nhỏ do dịch bệnh COVID-19 gây ra như bị hoãn, thậm chí bị hủy đơn hàng, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường giảm trong khi vẫn phải duy trì việc làm cho công nhân và thanh toán nhiều khoản thuế, chi phí đầu vào...
Tuy nhiên, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cách vượt khó như đa dạng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh bán hàng cho các kênh siêu thị, giao hàng tại nhà, chế biến sâu để bán cho phân khúc bán lẻ thay cho phân khúc dịch vụ thực phẩm đang sụt giảm mạnh. Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, những tháng đầu năm 2020, thị trường tôm thế giới liên tục biến động nhưng giá tôm trong nước vẫn được giữ vững và tăng trở lại, một phần nhờ sự đa dạng sản phẩm chế biến sâu đã chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp.
Tại Sóc Trăng (địa phương có diện tích nuôi tôm thâm canh lớn nhất nước với gần 25.000ha), hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm lớn đều đã đầu tư máy móc công nghệ chế biến hiện đại để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ các thị trường cao cấp trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Lực, lợi thế về các sản phẩm chế biến sâu của Việt Nam sẽ không thể kéo dài mãi được khi hiện một số nước cũng đã đầu tư máy móc, công nghệ chế biến. Để đảm bảo tính cạnh tranh cho con tôm Việt, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến, ngành chức năng và người nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao tỷ lệ thành công, diện tích nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế và giảm giá thành trong nuôi tôm.
Theo VASEP, hiện nay do thiếu nguồn cung nên doanh nghiệp không mua được tôm nguyên liệu với giá mong muốn và tình trạng này có thể trầm trọng hơn sau 2 tháng do diện tích nuôi giảm.
Các nước sản xuất lớn gặp khó
Dịch COVID-19 đã làm toàn bộ chuỗi sản xuất tôm tại các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Ecuador phải đối mặt với nhiều khó khăn. Người nuôi tôm Ấn Độ gặp khó khăn do Chính phủ nước này áp lệnh phong tỏa. Tại bang Andhra Pradesh (bang sản xuất tôm lớn nhất Ấn Độ), hoạt động nuôi tôm bị đe dọa bởi dịch COVID-19 do hiện là cao điểm của mùa thu hoạch. Nhiều nhà chế biến đang hoạt động trong tình trạng thiếu nhân công.
Thị trường xuất khẩu cũng co hẹp đáng kể. Mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng các quy định nhập khẩu và được cho là đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế, song các nhà xuất khẩu Ấn Độ vẫn chưa tận dụng được thời cơ này do công suất sản xuất chế biến giảm. Trong tuần đầu tháng 4, mới chỉ có 3.000 tấn tôm Ấn Độ được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Còn tại Ecuador, ngành tôm đang phải hoạt động chỉ với 50% công suất trong bối cảnh COVID-19 vì số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng ở nước này. Sản xuất tôm tại nước này bị ảnh hưởng nặng nề do các công ty chế biến chủ yếu nằm ở Guayaquil, thuộc tỉnh Guayas, là tâm dịch COVID-19 ở Ecuador. Một số công ty có nguy cơ phải đóng cửa nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện. Trong khi ngành tôm nước này không nhận được hỗ trợ gì từ phía Chính phủ.
Tại Việt Nam, nông dân chậm thả nuôi hoặc thu hẹp diện tích, nên nguồn nguyên liệu có nguy cơ thiếu hụt trong thời gian tới. Theo đại diện một doanh nghiệp tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long, có khả năng thiếu tôm cục bộ trong tháng 5 và tháng 6 đối với các doanh nghiệp có hợp đồng đến hết quý II/2020.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nuôi tiếp tục thả nuôi, doanh nghiệp và người dân tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến. Đối với tôm nuôi đến kỳ thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Với các cơ sở đang nuôi với mật độ dày, tôm cỡ nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu chi phí sản xuất...