Đánh giá hiện trạng chất lượng nước các ao tôm nuôi thâm canh ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng
Lưu Đức Điền và ctv, 2011
Khảo sát chất lượng nước ao nuôi tôm đối với cả tôm thẻ chân trắng và tôm sú trên ba mô hình nuôi thâm canh ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng: quy mô nhỏ, quy mô trung bình và quy mô lớn. Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng nền đáy ao, bao gồm tổng cacbon, tổng nitơ và tổng phospho, vào đầu vụ nuôi nhìn chung là phù hợp cho tôm phát triển, với C/N ~ 15 và N/P <1. Các thông số đo hàng ngày (pH và độ kiềm) được duy trì trong khoảng thích hợp cho nuôi tôm, với độ kiềm > 90 mg/L và độ chênh lệch pH trong ngày giữa sáng và chiều là rất thấp (Delta pH luôn < 0,5).
Ngoài ra, sự biến động tương đối lớn về hàm lượng chất dinh dưỡng (tổng nitơ và tổng phospho) trong nước ao nuôi dẫn đến sự tăng hay giảm khác nhau về mật độ vibrio spp., protozoa và tảo. Trong mối tương quan giữa tỉ lệ N/P trong nước và các yếu tố hữu sinh: khi nồng độ TN rất cao (tỉ lệ N/P > 20), lượng chất hữu cơ, chất thải trong ao nhiều làm cho mật độ vibrio tổng số và protozoa tăng cao (với các giá trị cực đại là 4.520 CFU/ml và 33.000 con/m3, theo thứ tự tương ứng. Ngược lại, khi TP cao (N/P < 5) tạo điều kiện cho tảo phát triển, nhất là nhóm tảo lam và tảo mắt, với mật độ tổng tảo cao nhất là 8.628.200 cá thể/lit. Mặc dù môi trường nước được quản lý khá tốt, sự tồn lưu của thuốc diệt giáp xác Cypermethrin trong lớp bùn đáy (31,49 – 603,50 ppb) được xem là nguyên nhân chính làm cho tôm bị hoại tử gan tụy và phải thu hoạch sớm.
"Tài liệu điện tử trên trang tepbac được chia sẻ để sử dụng cho mục đích học tập và nghiên cứu cá nhân. Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép, in ấn phục vụ các mục đích khác nếu không được sự chấp nhận của tác giả và nhà xuất bản."