Tôm hùm nước ngọt

: red swamp crawfish
: Procambarus clarkii Girard, 1852
: red swamp crayfish
Phân loại
Procambarus clarkiiGirard, 1852
Ảnh Tôm hùm nước ngọt
Đặc điểm

Thông thường Procambarus Clarkii có màu đỏ sẫm, con tiền trưởng thành thường có màu màu xám. Tôm hùm nước ngọt có thể đạt kích thước hơn 50g trong 3-5 tháng (Henttonen and Huner, 1999) và có thể dài khoảng 5,5 đến 12 cm.

Thân dạng hình trụ. Toàn thân được bao bọc bởi lớp vỏ cứng, ở con trưởng thành dễ thấy có nhiều nốt sần (nhám) ở phần đầu ngực (Cephalothorax), với 2 càng lớn được dùng để gấp chiến đấu, gấp thức ăn, đào hang. Chũy dài thẳng và trông như một tam giác.

Loài này có 5 cặp chân ngực (Pleopod) dùng cho việc di chuyển trên cạn lẫn dưới nước. Cặp chân đầu nhỏ, dài, có màu đỏ tươi, có thể kìm kẹp thức ăn đưa vào miệng. Ngoài ra chúng còn 5 cặp chân nhỏ ở phần bụng (Pereopod) dùng để bơi lội và cuối cùng là Uropod (chân đuôi) bao quanh Telson (gai đuôi) và được chúng sử dụng như máy chèo. 

Phân bố

Tôm hùm nước ngọt có nguồn gốc từ Bắc Mỹ (cụ thể là ở Bắc Mexico đến Florida và phía bắc đến phía nam Illinois và Ohio), sau đó chúng được đưa đến nhiều nơi ở Mỹ: Arizona, California, Georgia, Hawaii, Idaho, Indiana, Maryland, North Carolina, Nevada, Ohio, Oregon, South Carolina, Utah và Virginia, Nam và Trung Mỹ. Loài này cũng đã được đưa đến châu Âu (Tây Ban Nha, Pháp, Síp, Bồ Đào Nha), châu Phi và Đông Nam Á.

Tập tính

Tôm hùm nước ngọt loài sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm, chúng có thể đào hang trú ẩn, sâu đến 100-200 cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ từ 0 đến 370C (Nguyễn Dương Dũng, 2010), sống ở các sông, hồ, ao, suối, kênh rạch, vùng đất ngập nước theo mùa và đầm lầy, những vùng nước bị xáo trộn như ruộng lúa và các kênh thủy lợi, hồ chứa, vùng nước nông giàu thức ăn, nơi có đất thịt hoặc đất thịt pha cát, có nhiều rong cỏ, rễ cây.

Là loài sinh vật dễ dàng thích nghi với những vùng nước có độ mặn vừa phải, nồng độ oxy thấp, nhiệt độ khắc nghiệt và thậm chí là có thể sống ở những vùng nước bị ô nhiễm.Trong điều kiện môi trường xấu như thiếu oxy, thiếu thức ăn hay môi trường nước bị ô nhiễm tôm thường rời khỏi nơi sinh sống đi đến vùng nước khác, đặc biệt là khi mưa to. Khi thiếu oxy tôm thường bò bám lên cây cỏ thủy sinh lên mặt nước để thở hoặc nằm nghiên trên các bụi rong cỏ, khe đá sát mép nước, thậm chí là bò lên cạn thở bằng oxy không khí (Nguyễn Dương Dũng, 2010).

Tôm hùm nước ngọt được xem là một động vật ăn tạp thiên về thực vật,thức ăn bao gồm mùn bã hữu cơ, chế phẩm của ngũ cốc, thực vật như cỏ, rong, tảo, ấu trùng động vật đáy, động vật thuỷ sinh vừa cỡ miệng, các loại thức ăn chế biến… Chúng thường đi kiếm ăn và ăn mồi vào chiều tối.

Sinh sản

Tôm hùm nước ngọt thành thục sau 10-11 tháng tuổi, chúng thường chỉ đẻ trứng 1 lần trong năm nhưng ở những nơi có thời gian lũ kéo dài (lớn hơn 6 tháng) có thể có hai lần sinh sản vào mùa thu và mùa xuân. Sau khi giao phối, tôm cái sẽ đẻ trứng, trứng được con cái giữ ở chân bụng. Số lượng trứng của mỗi tôm cái phụ thuộc kích thước của chúng.

Tôm cái đạt 6,4cm có thể sinh sản, kích thước từ 10-14cm có thể sinh sản lên đến 500 trứng (Huner và Barr, 1991) và những quả trứng khoảng 0,4 mm.

Tôm con mới nở được con cái chăm sóc trong hang cho đến tám tuần và trải qua hai lần lột xác trước khi con non có thể tự lo cho bản thân (Hunter và Barr, 1991).

Từ giai đoạn ấu thể đến khi trường thành tôm lột xác ít nhất 13 lần (Nguyễn Dương Dũng, 2010) và trong tự nhiên loài này thường không sống lâu hơn 2 đến 5 năm (Smart et al., 2002).

Di cư tự nhiên:

Con tôm đực có thể di cư đến 17 km trong vòng bốn ngày, chính hoạt động này thúc đẩy cho việc phân tán của loài tôm này trên khu vực rộng lớn (Gherardi & Barbaresi, 2000).

Hiện trạng

Phát tán: Tôm hùm nước ngọt có thể di cư sang các khu vực khác thông qua việc các cần thủ sử dụng chúng làm mồi câu. Chúng được phát tán nhiều nơi trên thế giới thông qua xuất nhập khẩu với mục đích cung cấp thực phẩm, cung cấp giống nuôi trồng hay qua việc nuôi làm cảnh hay phát tán tự nhiên từ vùng chúng được du nhập sang vùng lân cận ở các nước châu  u (Henttonen và Huner, 1999)... Chúng còn được dùng như một tác nhân kiểm soát sinh học chẳng hạn tại Kenya P. clarkii làm giảm bớt số lượng ốc đóng vai trò là vật chủ trung gian cho các sinh vật gây bệnh sáng mán (Bilharzia). Hành động này đã thúc đẩy sự phát tán của P. clarkia ở Châu Phi. Ngoài ra, tại châu Phi đã xảy ra tình trạng buôn lậu loài tôm này làm cho tình trạng phát tán của chúng ngày càng tăng và gây mất cân bằng sinh thái tại châu lục này. 

Procambarus clarkii được du nhập sang nhiều nơi với các mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là nuôi để cung cấp thực phẩm trong nước và xuất khẩu sang các nước khác hoặc chúng được vận chuyển để nuôi làm cảnh trong các hồ cá công viên hải dương hay để làm sinh vật tiêu diệt các loài ốc truyền bệnh.

Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ có hơn 20 tiểu bang nuôi tôm hùm nước ngọt trong đó ở Louisiana đã tạo ra một ngành công nghiệp trị giá nhiều triệu đô la với hơn 50.000 ha đất canh tác nuôi  Procambarus clarkii (Gutierrez-Yurrita et al, 1999) và mô hình nuôi loài tôm này được cho là đã tồn tại từ thế kỉ 18.

Trong những năm 1970 và 1980 chúng được du nhập đến các nước phía Bắc châu Âu (Tây Ban Nha, Pháp, Ý…) nhằm cung cấp nguồn thực phẩm. Đến thế kỷ 20 loài tôm này du nhập sang nhiều nơi trên thế giới như những năm 30 của thế kỉ 20, tôm hùm nước ngọt được nhập từ Nhật Bản sang Trung Quốc. Ở Trung Quốc hiện nay là nước xuất khẩu tôm hùm nước ngọt lớn nhất thế giới. Tôm hùm nước ngọt được bán sang khu vực Scandinavia (châu Phi) nơi chúng được coi là đặc sản.

Kenya và Nam Phi là hai nước đầu tiên ở châu Phi nhập khẩu tôm hùm nước ngọt vào thập niên 70. Mặc khác tại Kenya (Châu Phi), P. clarkia không chỉ được sử dụng như nguồn thực phẩm mà chúng còn được dùng để kiểm soát sự lây lan của bệnh sán máng ở người do ốc Bulinus và Biomphalaria spp. làm vật chủ trung gian cho các sinh vật Schistosom haematobium và S. mansoni gây ra (Mkoji et al, 1999a in Foster & Harper, 2007)

Tuy nhiên do tập tính thích nghi cao loài sinh vật này đã gây nên nhiều tác hại đến hệ sinh thái mà chúng sinh sống. Do đó, chính phủ các nước và các nhà khoa học đã phải đưa ra các giải pháp quản lí nhằm hạn chế sự mất cân bằng môi trường sinh thái do loài này gây ra chẳng hạn như:

- Sử dụng pháp luật ngăn cấm vận chuyển và nhập khẩu khi chưa được phép.

- Sử dụng phương pháp cơ học như đánh bắt bằng lưới kéo, lưới vây,sử dụng các loại bẫy… làm giảm số lượng quần đàn.

- Kiểm soát bằng hóa chất như sử dụng các chất diệt sinh vật, thuốc trừ sâu và các hóa chết khác được dung để tiêu diệt P. clarkii nhưng phương pháp này không được khuyến khích vì các hóa chất này có thể gây hại đến các sinh vật khác, tích tụ trong tôm và phá hủy hệ sinh thái.

- Kiểm soát sinh học: sử dụng sinh vật khác để kiểm soát loài P. clarkia, dùng các loài cá ăn động vật như cá chình, cá lấu (Lota lota), cá măng, cá rô… hay sử dụng sinh vật gây bệnh, vi khuẩn sản xuất độc tố lên  P. clarkia… ví dụ: vi khuẩn Bacillus thuringiensis var israeliensis (Pedigo, in 1989, in Holdich et al, 1999).

Tại Việt Nam, Tôm hùm nước ngọt được nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc với mục đích nuôi thử nghiệm ở diện hẹp vào tháng 9/2006. Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cho phép Viện Nuôi trồng thủy sản I thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) ở các tỉnh miền Bắc phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu” và dự án: “Dự án nhập công nghệ sản xuất giống tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu ở các tỉnh miền Bắc”.

Kết quả bước đầu của việc nghiên cứu thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã cho rằng tôm hùm nước ngọt sẽ sinh trưởng và phát triển tại miền Bắc nước ta do chúng là loài thủy sinh vật dễ nuôi, thích nghi với điều kiện miền Bắc nước ta và ít dịch bệnh. Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng khả năng tôm hùm nước ngọt sẽ là đối tượng thủy sản nước tạo ra hàng hóa phục vụ xuất khẩu có tình khả thi cao.

Tài liệu tham khảo

Foster J., and David H., "Status and ecosystem interactions of the invasive Louisianan red swamp crayfish Procambarus clarkii in East Africa." Biological invaders in inland waters: profiles, distribution, and threats. Springer Netherlands, 2007. 91-101.

Gherardi, Francesca, Silvia Barbaresi, and Gabriele Salvi. "Spatial and temporal patterns in the movement of Procambarus clarkii, an invasive crayfish." Aquatic Sciences 62.2 (2000): 179-193.

Gutierrez-Yurrita, P. J., Martinez, J. M., Ilhéu, M., Bravo-Utrera, M. A., Bernardo, J. M., & Montes, C. (1999). The status of crayfish populations in Spain and Portugal. Crustacean issues, 11, 161-192.

Henttonen, P. A. U. L. A., and J. V. Huner. "The introduction of alien species of crayfish in Europe: a historical introduction." Crustacean Issues 11 (1999): 13-22.

Huner, J. V., and J. E. Barr. 1991. Red swamp crayfish, biology and exploitation (3rd ed). Louisiana State University, Baton Rouge, Louisiana.

Nguyễn Dương Dũng, 2010, Báo cáo tổng kết đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) ở các tỉnh miền Bắc phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu”, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, 92 trang.

Smart, A. C., D. M. Harper, F. Malaisse, S. Schmitz, S. Coley, A.-C. G. de Beauregard. 2002. Feeding of the exotic Louisiana red swamp crayfish, Procambarus clarkii (Crustacea, Decapoda), in an African tropical lake: Lake Naivasha, Kenya. Hydrobiologia 488:129-142.

Holdich, D. M., Gydemo, R. O. L. F., & Rogers, W. D. (1999). A review of possible methods for controlling nuisance populations of alien crayfish. Crayfish in Europe as alien species: how to make the best of a bad situation, 245-270.

Fisheris and Aquaculture Deparment, Procambarus clarkii Girard, 1852, http://www.fao.org/fishery/culturedspecies/Procambarus_clarkii/en. Truy cập ngày 24/11/2016.

Global invasive species database, Procambarus clarkii (crustacean), 2011, http://www.issg.org/database/species/ecology.asp?si=608. Truy cập ngày 24/11/2016.

Cập nhật ngày 01/12/2016
bởi
Xem thêm