Hàu Thái Bình Dương

: Pacific oyster
: Crassostrea gigas Thunberg, 1793
:
Phân loại
Crassostrea gigasThunberg, 1793
Ảnh Hàu Thái Bình Dương
Đặc điểm

Cơ thể hàu được bao bọc bởi hai vỏ cứng chắc, vỏ trái có dạng hình chén, lớn hơn vỏ phải và thường bám vào nền đá, trong khi đó vỏ phải nhỏ và phẳng hơn. Đỉnh vỏ ở phía trên và có bản sừng gắn giữa hai vỏ. Vỏ hàu có 3 lớp: lớp ngoài bằng sừng mỏng, dễ bóc và cấu trúc hoàn toàn bằng protein, lớp giữa dày nhất là tầng đá vôi với cấu trúc gồm Calci carbonate kết tinh gắn chắc trên thể protein và lớp trong cùng bằng xà cừ mỏng, bóng, sáng và rất cứng. Hình dạng của vỏ rất khác nhau phụ thuộc vào môi trường sinh sống. Nếu hàu sống riêng rẽ trên nền đáy mềm thì vỏ nhẵn và kéo dài. Nếu phân bố trên nền đáy cứng, vỏ có hình ống, nhăn, vỏ trái tròn hơn và lõm sâu. Khi hàu phân bố tập trung, vỏ có hình dạng méo mó. Thông qua hình dạng vỏ hàu có thể xác định được đặc điểm của chất đáy tại điểm chúng phân bố. Hàu sống ở độ mặn cao có vỏ cứng hơn ở vùng có độ mặn thấp (FAO, 2003).

Phân bố

Hàu TBD phân bố tự nhiên ở vùng biển phía bắc của Nhật Bản. Chúng được di nhập đến nhiều quốc gia trên thế và cho đến nay được tìm thấy phổ biến ở vùng biển của Pháp, Anh, Mexico, Trung Quốc, Brazil… (FAO, 2003), (Grove – Jones, 1986).

Từ năm 2003, hàu TBD được nuôi ở 64 quốc gia trên thế giới đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Canada…

Tập tính

Hàu trưởng thành thường sống cố định, bám vào bất kỳ vật thể cứng nào như: đá, vỏ hàu, san hô chết… ở khu vực thuỷ triều giữa mức thuỷ triều cao và thấp khoảng 3m hoặc ở giữa các vùng nước nông. Chúng thiên về những vùng nước lợ cửa sông hay những vùng duyên hải gần bờ.

Khả năng thích nghi với sự biến động môi trường của hàu TBD rất lớn, đặc biệt là yếu tố nhiệt độ và độ mặn. Hàu TBD là loài rộng nhiệt, chúng có thể sống ở nhiệt độ 1,8oC-35oC và thích hợp nhất 20-28oC (FAO, 2003). 

Hàu TBD cũng là loài rộng muối, chúng có thể sống ở độ mặn trên 35‰ hoặc dưới 5‰, ở độ mặn thấp khả năng sinh trưởng có thể chậm hơn. Độ mặn tối ưu cho sự phát triển của hàu trưởng thành là 16-28‰ (Elizabeth Gosling, 2003), 20-25‰ (FAO, 2003) và 15-29‰ đối với ấu trùng, mặc dù trứng có thể phát triển bình thường ở độ mặn 36‰ (Amemiya, 1928). Bởi vậy, hàu TBD có thể nuôi được ở các vùng cửa sông có độ mặn thấp (FAO, 2003).

Phương thức bắt mồi của hàu cũng giống như các loài hai mảnh vỏ khác là lọc thụ động.

Sinh sản

Cũng giống như các loài hàu khác, hàu TBD thay đổi giới tính trong suốt chu kỳ sống của nó, thường sinh sản lần đầu tiên là con đực sau đó chuyển thành con cái. Các yếu tố môi trường, đặc biệt là thức ăn có thể ảnh hưởng đến giới tính của hàu. Trong điều kiện dồi dào thức ăn, chúng có xu hướng chuyển giới tính từ con đực sang con cái và ngược lại trong điều kiện thức ăn hạn chế hay chúng tập trung thành từng quần thể với mật độ quá lớn toàn bộ đàn hàu là con đực. Một số ít cá thể lưỡng tính. 

Mùa vụ sinh sản: Ở vùng nhiệt đới sau một năm đã thành thục và tham gia sinh sản. Mùa vụ sinh sản xảy ra quanh năm, nhưng có hai mùa đẻ rộ là vụ 1 từ tháng 4 – 6 và vụ 2 từ tháng 8 – 10 hàng năm. Mùa vụ sinh sản ở vùng nhiệt đới thường ít tập trung và kéo dài hơn so với vùng ôn đới (FAO, 2003). 

Hiện trạng

Hiện nay, nghề nuôi hàu phát triển rất mạnh ở nhiều nước với nguồn giống chủ yếu từ sinh sản nhân tạo. 

Hàu được nuôi với các hình thức: nuôi đá, nuôi trong khay lồng, nuôi treo đục lỗ và treo trên các dây...

Tài liệu tham khảo

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC  CHUYÊN NGÀNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN của Lê Minh Trí.

Cập nhật ngày 22/10/2018
bởi Lê Minh Trí
Xem thêm